Hầu hết các bạn sinh viên đang học đại học đều đã quen với hình thức thi trắc nghiệm. Vậy, làm thế nào để có một bài thi đạt hiệu quả cao nhất. Bài viết chia sẻ những thủ thuật để sinh viên có thể làm bài thi trắc nghiệm đạt kết quả tốt nhất.

1. Tìm từ khoá chính của câu hỏi

Sau khi tiếp nhận và kiểm tra tình trạng bài thi đạt tiêu chuẩn (Không in thiếu trang, không lem, nhòe chữ,…). Bắt đầu làm bài, việc đầu tiên mà các thí sinh cần làm sau khi đọc xong một câu hỏi là tìm những từ khóa chính yếu (Keywords) bằng cách gạch chân hoặc khoanh tròn. Từ khóa chính là điểm mấu chốt giúp bạn xác định được kiến thức mà câu hỏi đang đề cập tới. Từ đó, dễ dàng chọn đáp án có mối liên hệ mật thiết nhất. Phương pháp này vừa giúp học sinh tiết kiệm thời gian làm bài, vừa đảm bảo độ chính xác cao, hạn chế tình trạng lạc đề hoặc bị rối thông tin cần xử lý. Đây là một trong những cách học trắc nghiệm hiệu quả nhất.

2. Đoán câu trả lời trước khi nhìn các phương án

Riêng với phương pháp làm bài thi trắc nghiệm này không phải ai cũng áp dụng được. Trong trường hợp chưa thực sự chắc chắn về kiến thức của mình, đừng vội đọc ngay đáp án vì rất dễ bị phân tâm, càng không dành cho những câu hỏi tình huống khó. Phương pháp này thường được áp dụng cho các câu hỏi tính toán hoặc những câu mà phương án trả lời trong đề có phần na ná nhau. Với câu hỏi tính toán, hãy bình tĩnh thực hiện các phép tính rồi mới xem xét đáp án đưa ra trong đề có giống với kết quả của mình hay không. Với những câu hỏi mang tính chất thách đố khi đưa ra đáp án gần giống nhau, hãy tự nhẩm câu trả lời rồi khoanh tròn lựa chọn đúng nhất.

3. Làm trắc nghiệm theo thứ tự từ dễ đến khó

Việc xử lý các câu hỏi theo thứ tự từ dễ đến khó có thể giúp bạn điều tiết thời gian cũng như chất lượng câu hỏi được chuẩn xác hơn. Bởi những câu hỏi dễ thường không phải mất quá nhiều thời gian và công sức để cho ra đáp án. Thông thường những câu dễ sẽ không có quá nhiều thay đổi so với đề tham khảo bộ giáo dục đưa ra do nó là những câu kiểm tra kiến thức căn bản, dễ lấy điểm. Hơn nữa, sau khi hoàn thành các câu dễ, chúng sẽ trở thành tiền đề tiếp thêm động lực cho bạn tiếp tục giải quyết những câu hỏi khó hơn. Dù là kiến thức căn bản dễ hơn so với các câu hỏi vận dụng cuối đề (Từ câu 40 trở đi) nhưng điểm số các câu hỏi trong bài thi trắc nghiệm thường được chia đều ngang nhau nên vấn đề nằm ở việc bạn phân bổ và tận dụng thời gian sao cho hợp lý. 

4. Không bỏ sót bất kỳ câu nào

Một trong những điều cực kỳ cấm kỵ khi làm bài thi trắc nghiệm là “bỏ trống” đáp án chỉ vì chưa chắc chắn ở phần kiến thức ấy hoặc tính mãi vẫn ra sai kết quả. Lời khuyên chân thành cho các sĩ tử là “thà khoanh nhầm còn hơn bỏ sót”. Khác với tự luận, bất kể câu hỏi trắc nghiệm nào cũng đều có điểm, nếu trả lời sai bạn chỉ không nhận được số điểm đó chứ không bị trừ bớt đi. Hãy vận dụng hết khả năng phỏng đoán hoặc thậm chí là các cách khoanh mò trắc nghiệm để tạo cho mình cơ hội gia tăng điểm số, xác suất ăn điểm kể cả có khoanh bừa vẫn đạt đến 25%.

5. Vận dụng phương pháp loại trừ

Phương pháp loại trừ cũng là một trong những cách học trắc nghiệm nhanh đáng đề cử. Tuy nhiên, tương tự như phương pháp đoán đáp án ở mục số 2, đây là phương pháp khá kén người sử dụng và kén cả câu hỏi được áp dụng. Bởi quy trình loại trừ  này đòi hỏi phải có chút cơ sở lý luận bằng cách nhận diện phương án sai thay vì đi tìm đáp án đúng. Trong trường hợp không chắc chắn về kiến thức của mình và cũng không đủ cơ sở để loại trừ, bạn chỉ còn cách phỏng đoán. Hãy cố gắng cảm nhận sự “quen thuộc” trong câu trả lời so với những gì đã học, hoặc nhận thấy phương án nào khả thi hơn thì hãy khoanh tròn phương án ấy.

6. Phân bổ thời gian làm bài hợp lý

Nếu đề thi tự luận yêu cầu trình bày rõ ràng các bước theo đúng trình tự thì câu hỏi trắc nghiệm lại đòi hỏi phản ứng nhanh nhạy và quy trình xử lý vấn đề gọn gàng. Thông thường, thời gian giải mỗi câu trắc nghiệm chỉ giới hạn trong khoảng 1-2 phút. Bởi lẽ đó, học sinh cần nắm thật vững kiến thức, biết cách vận dụng và giải thật nhanh để đưa ra phương án chính xác trong thời gian ngắn nhất. Tuy trung bình là thế nhưng quá trình đòi hỏi giải mã chênh lệch độ khó giữa câu 1 – 5 và câu 45 – 50 là hai cấp độ hoàn toàn khác nhau. Bạn cần phải phân bổ thời gian hợp lý tầm vài giây đến 1 phút cho những câu cho điểm, câu dễ hay những câu bạn quen thuộc, chắc kiến thức để dành thêm thời gian cho các câu vận dụng. Bạn có thể bỏ qua thời gian nghiên cứu những câu hoàn toàn xa lạ, không biết làm để hoàn thành tốt nhất có thể những câu biết trừ khi bạn có dư nhiều thời gian trước hạn nộp.

7. Dò lại trước khi nộp bài

Một số kỳ thi tách biệt phần đề và phiếu trả lời thành 2 tờ giấy khác nhau, dẫn đến sự nhầm lẫn khi tô chọn đáp án. Để đảm bảo cách khoanh và đánh trắc nghiệm đạt độ chính xác tối ưu, bạn cần dành chút thời gian kiểm tra lại sau khi hoàn thành bài thi tránh việc điền lệch hay bỏ trống vài câu gây tiếc nuối trong khi đã cố gắng cả một quãng thời gian đã ôn luyện. Bên cạnh đó, đối với trường hợp bạn không thể giải tiếp các câu hỏi khó thì việc tận dụng những phút cuối cùng để rà soát những câu đã làm cũng là một cách bảo toàn và nắm chắc số điểm của mình. 

Tóm lại, những thủ thuật trên đây chỉ là công cụ phụ trợ trong quá trình thi của bạn, cái chính cần thiết nhất, quan trọng nhất vẫn là kiến thức của bản thân. Để nâng cao thêm năng lực học tập, tốt hơn các bạn có thể tham khảo thêm đề thi của những năm trước hoặc sách giải bài tập, sách giáo khoa các môn học để nắm vững cách giải các dạng bài tập quan trọng nhất. Chúc các bạn có một mùa thi thành công!

TS. Huỳnh Tuấn Linh tổng hợp và giới thiệu