Khoa Chính trị - Luật:

Hội thảo khoa học Khoa Chính trị - Luật năm 2024 “Nâng cao năng lực giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên HUIT trong giai đoạn chuyển đổi số trí tuệ nhân tạo”

Ngày 05/4/2024, tại Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu, Khoa Chính trị - Luật, Đại học Công Thương TPHCM đã tổ chức buổi hội thảo khoa học cấp Khoa với chủ đề: “Nâng cao năng lực giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên HUIT trong giai đoạn chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo”. Đây là hoạt động nghiên cứu khoa học thường niên được tổ chức hàng năm của Khoa Chính trị - Luật HUIT. 

Tham dự hội thảo có các vị khách quý:

Đại diện Phòng Khoa học công nghệ HUIT: TS. Phạm Minh Tiến – chuyên viên

Giảng viên trường ngoài: TS. Lê Văn Đại – Giảng viên Khoa Chính trị - Hành chính, Đại học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng các thầy cô giáo đang công tác tại Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa.

Khoa Chính trị- Luật HUIT: TS. Phan Thị Thu Thuý, Phó trưởng Khoa Chính trị - Luật; cùng các thầy giáo, cô  giáo là giảng viên đang công tác tại Khoa Chính trị - Luật.

Hội thảo khoa học năm 2024 của Khoa Chính trị - Luật HUIT đã thu hút sự quan tâm của các giảng viên trong và ngoài Khoa. Ban Tổ chức đã nhận được rất nhiều bài viết chất lượng và giá trị trong các nghiên cứu liên quan đến chủ đề của hội thảo. Ban Tổ chức đã chọn lọc, tập hợp được 28 bài viết xuất bản trong kỷ yếu hội thảo phục vụ cho công tác nghiên cứu của giảng viên sau này.

Tại hội thảo có 3 báo cáo tham luận được trình bày

Báo cáo tham luận 1: “Tác động của Chat GPT đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo” do TS. Mai Quốc Dũng giảng viên bộ môn Chính trị- xã hội trình bày. Trong đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của Chat GPT trong việc hỗ trợ học tập và nghiên cứu khoa học đối với giảng viên và sinh viên các ngành nói chung; qua đó đề xuất một số giải pháp thực tế để nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng Chat GPT ứng dụng trong quá trình học tập và nghiên cứu khoa học.

Báo cáo tham luận 2: “Áp dụng mô hình phiên tòa giả định trong đào tạo ngành luật kinh tế tại Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh do TS. Nguyễn Nam Hà - Trưởng Bộ môn Luật trình bày. Bài tham luận  đưa ra những thuận lợi, khó khăn khi xây dựng mô hình phiên tòa giả định trong đào tạo ngành luật kinh tế tại Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh. Trong những năm học vừa qua, Khoa Chính trị - Luật HUIT đã tổ chức được mô hình thực tập này cho sinh viên các khóa với mục tiêu hướng tới là rèn luyện các kỹ năng cơ bản cần thiết của nghề luật cho sinh viên

Báo cáo tham luận 3: “Nghiên cứu trong và ngoài nước về các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển nguồn nhân lực các trường đại học và những vấn đề đặt ra” do TS. Nguyễn Hữu Trinh, giảng viên bộ môn chủ nghĩa Mác – Lênin trình bày. Bài tham luận đã đề cập đến vai trò quan trọng của việc nghiên cứu trong và ngoài nước trong việc phát triển nguồn nhân lực ở các cơ sở giáo dục đại học hiện nay, qua đó cũng đã nêu ra một số khoảng trống nghiên cứu cần được hoàn thiện.

Bên cạnh ba tham luận của các thầy cô trong Khoa, các đại biểu cũng đã chia sẻ một số vấn đề liên quan đến đề tài hội thảo với mục đích nâng cao năng lực giảng dạy, ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình học tập.


Có thể khẳng định, qua buổi hội thảo, các giảng viên tham dự đã  thêm nhiều kinh nghiệm, kiến thức về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào công tác giảng dạy và học tập trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay.

Bài viết: LAN PHƯƠNG (Khoa Chính trị - Luật)