Một số doanh nghiệp cho rằng, hiện nay có đến 60% các hồ sơ xin việc của các ứng viên mới tốt nghiệp mới đều không thành thạo ngoại ngữ hoặc kỹ năng cơ bản cần thiết. Thông tin trên do nhiều đại diện doanh nghiệp cho biết tại "Ngày hội việc làm 2021" với sự tham gia của trên 50 đơn vị tuyển dụng là các công ty, tập đoàn đa quốc gia và các tổ chức quốc tế. Ngày hội do Khoa Quốc tế - Đại  học Quốc gia Hà Nội vừa tổ chức.

 

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cục Đầu tư nước ngoài), tính đến 20/03/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này có nghĩa, những người giỏi ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ngày càng có nhiều cơ hội để lựa chọn môi trường làm việc.

Tại ngày hội việc làm, đại diện của Công ty Cổ phần TOPCV Việt Nam cho rằng, hiện nay có đến 60% các hồ sơ xin việc của nhiều ứng viên tốt nghiệp mới ra trường đều không thành thạo ngoại ngữ hoặc kỹ năng cơ bản cần thiết khiến cơ hội việc làm của ứng viên bị hạn hẹp và cơ hội thăng tiến cũng không có.

Phân tích sâu hơn về vấn đề này, ông Trần Văn Hưng (PGĐ- Viettelpay Hà Nội) cho biết, đặc thù của ngành kỹ sư ứng dụng công nghệ thông tin và kỹ sư phần mềm đòi hỏi sinh viên phải thông thạo ngoại ngữ để tránh ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng của công việc. Những cán bộ cấp cao của tập đoàn cũng phải thường xuyên học ngoại ngữ để trau dồi vốn kiến thức.

"Trong các vòng loại hồ sơ, Viettel yêu cầu các ứng viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ TOEIC 550 trở lên vì hiện nay tập đoàn đang đầu tư phát triển tại 13 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Do đó, việc thạo ngoại ngữ cũng sẽ giúp các ứng viên có thể đến công tác, phát triển năng lực bản thân tại đó" - ông Hưng nhấn mạnh.

Kỹ năng mềm là yếu tố cơ bản

Ông Nguyễn Huy Hoàng - Trưởng khối tổ chức nhân sự ngân hàng MB cho biết, kỹ năng xử lý tình huống (problem-solving), kỹ năng làm việc nhóm (teamwork), kỹ năng ra quyết định (decision making) là nhóm các kỹ năng mềm mà MB yêu cầu các ứng viên phải có khi tuyển dụng.

 "Chúng tôi không chỉ tuyển dụng sinh viên ngành Tài chính -  Ngân hàng mà bất kỳ chuyên ngành nào, chỉ cần thí sinh có kỹ năng mềm để xử lý công việc một cách độc lập, kỹ năng giao tiếp tốt với khách hàng, với đồng nghiệp… thì dù là mới tốt nghiệp đi nữa, các sinh viên sẽ được chào đón ở MB" - ông Hoàng chia sẻ.

Chị Nguyễn Thùy Linh (cán bộ tuyển dụng và phát triển nhân lực của tập đoàn FPT) cho biết, mong muốn của tập đoàn là tuyển dụng được nguồn nhân lực có chất lượng cao, nhưng đáp ứng đủ các 4 yếu tố: phù hợp, thái độ, kỹ năng, kinh nghiệm, không bắt buộc các ứng viên phải quá giỏi. 

Theo chị Linh, yếu tố phù hợp ở đây là phù hợp về con người, phù hợp về tính cách và văn hóa. Văn hóa của tập đoàn là yếu tố riêng biệt đó là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Viện nghiên cứu thị trường IEIT thuộc Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế, cơ hội việc làm của các sinh viên là như nhau nhưng mức lương lại khác bởi trình độ bằng cấp, trình độ ngoại ngữ và bên cạnh đó là cả những kỹ năng cần thiết.

Đặc biệt, vị trí càng cao, sự chênh lệch về mức lương càng thể hiện rõ rệt hơn bao giờ hết. Điều này hoàn toàn đúng với  cả những sinh viên mới tốt nghiệp, bởi mức lương khởi điểm cho các sinh viên giỏi ngoại ngữ đã cán mốc 15 - 20 triệu đồng/tháng.

Nguồn: Sưu tầm