SẼ XỬ LÝ HÌNH SỰ HÀNH VI LÀM LÂY LAN VIRUS SARS-COV-2 TRONG CỘNG ĐỒNG

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới, nhằm ngăn chặn và xử lý thích đáng các hành vi làm gia tăng sự lây lan của dịch bệnh Covid-19. Ngày 30/3/2020 Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân tối cao đã ban hành Công văn số 45/TANDTC-PC về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 (gọi tắt là Công văn 45). Để thực hiện sứ mệnh tuyên truyền, bổ biến kiến thức pháp luật, Câu lạc bộ Pháp luật HUFI xin giới thiệu hướng dẫn mới của Tòa án nhân dân tối cao về việc xử lý hình sự hành vi làm lây lan virus SARS-CoV-2 cho người khác.
Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) qui định về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người như sau:

“Điều 240. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;

c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;

b) Làm chết người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;

b) Làm chết 02 người trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Thực tế trong thời gian vừa qua đã xảy ra trường hợp một số cá nhân trở về từ vùng dịch ở nước ngoài nhưng không khai báo y tế hoặc khai báo gian dối nhằm tránh việc bị cách ly y tế, sau đó tiếp xúc trực tiếp với nhiều người làm lây lan virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế - xã hội của đất nước, gây hao tổn tài chính và nguồn lực con người để dập dịch. Hành vi này bị cả xã hội lên án và cần phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự mới tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của nó. Tuy nhiên, do tại điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự qui định tình tiết định tội mang tính mở: “Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người”, mà không liệt kê các hành vi cụ thể, có thể do chúng ta chưa có thực tiễn tố tụng đối với trường hợp như Covid-19. Đồng thời, Tòa án nhân dân tối cao chưa có giải thích, hướng dẫn cụ thể thế nào là “Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người”, ngành tòa án cũng chưa có án lệ về tội phạm này. Vì vậy, các cơ quan tố tụng chưa có đủ cơ sở giải thích pháp luật để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi khai báo y tế gian dối, trốn tránh cách ly, gây hậu quả làm lây lan virus SARS-CoV-2 cho cộng đồng, dẫn đến chỉ có thể xử lý hành chính đối với hành vi này theo qui định tại Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Với việc Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Công văn 45, cơ sở giải thích pháp luật hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với “Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” đã có. Cụ thể, theo qui định tại tiểu mục 1.1. của Công văn 45, “Hành vi khác” được hiểu là một trong số các hành vi sau đây gây hậu quả làm lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác:

“a) Trốn khỏi nơi cách ly;

b) Không tuân thủ quy định về cách ly;

c) Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly;

d) Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối”.

Chủ thể thực hiện hành vi được xác định là người đã được thông báo mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly.

Như vậy, các cá nhân trở về từ vùng dịch nhưng có hành vi bất tuân các qui định về phòng chống dịch Covid-19 nêu trên, gây hậu quả làm lây lan virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng, đã cấu thành tội phạm và sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo qui định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”./.

Tài liệu tham khảo: Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.