ChatGPT (Chat Generative Pre - training Transformer) là một chatbot được phát triển dựa trên mô hình Transformer của Google. Đây là một ứng dụng của trí thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence-AI) hỗ trợ người dùng trong việc tạo ra các cuộc trò chuyện tự động và trả lời câu hỏi về đa dạng các chủ đề, lĩnh vực khác nhau chỉ sau vài giây. Điều ấn tượng nhất khiến cho ChatGPT trở nên nổi tiếng là khả năng hiểu và sử dụng ngữ cảnh và có thể thực hiện các cuộc trò chuyện một cách tự nhiên như con người. ChatGPT có thể được sử dụng trong các lĩnh vực như sáng tạo nội dung cho các trang web, trả lời các câu hỏi của khách hàng và cung cấp các gợi ý.

Trước sự phát triển công nghệ AI nói chung và sự phổ biến của ChatGPT nói riêng phần nào ảnh hưởng đến ngành luật – một ngành đòi hỏi sự nghiên cứu, thu thập thông tin, giải quyết vấn đề pháp lý, trả lời tư vấn khách hàng và giải đáp câu hỏi pháp lý. Đồng thời, nhằm tạo ra một sân chơi học thuật giúp sinh viên ngành Luật tìm hiểu thêm nhiều kiến thức pháp luật cũng như kiến thức về văn hóa, xã hội, công nghệ ứng dụng trong quá trình học tập thì ngày 26/03/2023 Khoa Chính trị-Luật đã tổ chức buổi Talkshow với chủ đề “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với nghề luật”, được tổ chức vào lúc 8h00 tại Hội trường C, trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Tp.HCM, với sự tham dự của hai vị khách mời đặc biệt, gồm có:

1.     Thạc sĩ, Luật sư Lê Bình Phương-Giám đốc công ty Luật TNHH Bình Phương- Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh.

2.     Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Thanh Đạm-Trưởng văn phòng Luật sư Việt Á Châu – Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, có sự tham gia của Ban chủ nhiệm Khoa Chính trị-Luật gồm có:

1.     TS. Nguyễn Thị Thu Thoa – Trưởng khoa Chính trị - Luật

2.     TS. Phan Thị Thu Thúy – Phó trưởng khoa Chính trị - Luật

3.     TS. Nguyễn Nam Hà – Trưởng Bộ môn Luật

4.     Các giảng viên Bộ môn luật.

5.     Cùng với sự dẫn dắt chương trình buổi talkshow và trò chuyện với hai vị khách mời đặc biệt của ThS. Nguyễn Thị Thu Trang – Giảng viên Khoa Chính trị-Luật.

Buổi talkshow đã được ThS. Nguyễn Thị Thu Trang giới thiệu tổng quan về ứng dụng ChatGPT giúp sinh viên luật nhận biết được thế nào là ChatGPT và cách thức vận hành của ứng dụng thông qua bài diễn thuyết và thực hành ứng dụng trên màn hình một cách trực quan sinh động. Đồng thời, hai vị khách mời đặc biệt cũng đã trình bày, chia sẻ quan điểm, đóng góp ý kiến của mình đối với ứng dụng ChatGPT với một số nội dung thiết thực như:

-         Nhận xét về ChatGPT so với Google Search, Wikipedia.

-         Đánh giá tính ưu việt của ChatGPT trong hoạt động tìm kiếm tài liệu, thông tin hiện nay.

-         Trình bày giải pháp giúp sinh viên sử dụng ChatGPT để tra cứu tài liệu, văn bản pháp luật, trả lời câu hỏi pháp lý…trong quá trình học tập.

-         Đồng thời, cũng đưa ra những khuyến nghị, cảnh báo về mức độ chính xác, tin cậy mà ChatGPT đưa ra, cần phải được chọn lọc và kiểm chứng. 

Trong quá trình buổi talkshow, ngoài việc các bạn sinh viên được tiếp cận kiến thức, thực hành ChatGPT, nghe lời chia sẻ, hướng dẫn của các vị khách mời thì các bạn sinh viên còn được đặt câu hỏi và trả lời trực tiếp xoay quanh chủ đề buổi talkshow như: ChatGPT ứng dụng vào việc học tập ngành luật như thế nào? Mối đe dọa cho hoạt động tư vấn pháp luật từ ChatGPT…Tất cả các câu hỏi đã được trả lời một cách triệt để, thấu đáo giúp sinh viên có cái nhìn tổng quan về ứng dụng của AI và cách thức áp dụng an toàn trong hoạt động học tập.

Buổi talkshow “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với nghề luật” kết thúc thành công tốt đẹp cùng với phần quà lưu niệm của Ban chủ nhiệm khoa Chính trị-Luật gửi đến hai vị khách mời đặc biệt và hơn hết nội dung và thông điệp mà buổi talkshow mang lại hết sức ý nghĩa và thiết thực cho sinh viên luật trong quá trình học tập, nghiên cứu khoa học sắp tới.

Tin bài: Khoa Chính trị - Luật