Ngày 26/3 là một ngày vô cùng ý nghĩa đối với bất cứ một đoàn viên hay thanh niên nào trên đất Việt. Đồng thời đây cũng là ngày tưởng nhớ về những thế hệ thanh niên đã dũng cảm hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Vậy nên, hôm nay các bạn hãy cùng Khoa Chính trị Luật tưởng nhớ lại những vị anh hùng trẻ tuổi ấy thông qua những mẫu truyện ngắn 26/3 hay và ý nghĩa nhất nhé!

1. Chị Võ Thị Sáu sinh vào năm 1933 ở xã Phước Thọ, quận Đất Đỏ, nay là huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Chị được sinh ra ở vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Vào năm 1947, khi chỉ mới 14 tuổi chị đã gia nhập Đội Công an xung phong quận Đất Đỏ với mong muốn trừng trị bọn ác ôn. Kể từ đó, chị đã trở thành người chiến sĩ trinh sát làm nhiệm vụ phá tề, trừ gian với nhiều chiến công lẫy lừng.

Tháng 2/1950, chị dẫn đầu một tổ, dùng lựu đạn tập kích diệt 2 tên ác ôn Cả Suốt, Cả Đay. Nhưng thật không may khi chị đã bị sa vào tay địch. Chúng tra tấn chị bằng mọi cực hình, nhưng cũng phải chịu thua vì không khai thác được gì. Sau đó, chúng liền đưa chị về giam ở khám Chí Hòa, Sài Gòn để tiếp tục khai thác và rồi mở phiên tòa, tuyên án tử hình chị.

Tại phiên tòa đại hình, tuy chỉ mới 17 tuổi, nhưng chị Võ Thị Sáu đã hiên ngang tỏ rõ khí phách anh hùng của một thiếu nữ Việt Nam làm cho lũ quan tòa cùng đồng bọn đều phải nể sợ. Chị sang sảng khẳng định:

- Yêu nước chống bọn thực dân xâm lược không phải là tội!

Và khi tên quan tòa rung chuông ngắt lời chị, tuyên án: "Tử hình, tịch thu toàn bộ tài sản", chị đã thét vào mặt y:

- Tao còn mấy thùng rác ở khám Chí Hòa, tụi bây vô mà tịch thu!

Tiếp đó là tiếng hô to và hùng hồn:

- Đả đảo thực dân Pháp! Kháng chiến nhất định thắng lợi!

Thực dân Pháp rất muốn giết chết ngay người con gái đáng sợ này, thế nhưng không dám thực hiện bản án tử hình đối với người chưa đến tuổi thành niên. Chúng đã phải tiếp tục giam chị ở khám Chí Hòa và sau đó đưa ra Côn Đảo. Vào ngày 23/1/1952, chúng thi hành bản án, bắn chết chị ở ngoài hòn đảo xa đất liền này sau 2 ngày chúng đưa chị ra đây. Biết sắp bị hành hình, trong suốt đêm 22, chị đã gửi lòng mình với đất nước và nhân dân bằng những bài ca cách mạng như: Lên đàng, Cùng nhau đi hùng binh, Tiến quân ca,...

Khoảng 4 giờ sáng ngày 23/1/1952, sau khi tên chánh án làm thủ tục thi hành án, viên cố đạo liền lên tiếng rằng:

- Bây giờ cha rửa tội cho con.

Chị gạt phắt lời viên cha cố:

- Tôi không có tội. Chỉ có kẻ sắp hành hình tôi đây mới là có tội...

Ông ta vẫn kiên nhẫn thuyết phục:

- Trước khi chết, con có điều gì ân hận không?

Chị nhìn thẳng vào mặt ông ta và mặt tên chánh án, trả lời:

- Tôi chỉ ân hận là chưa tiêu diệt hết bọn thực dân cướp nước và lũ tay sai bán nước.

Ra đến pháp trường, tên chánh án hỏi chị:

- Còn yêu cầu gì trước khi chết?

Chị nói:

- Không cần bịt mắt tôi. Hãy để cho đôi mắt tôi được nhìn đất nước thân yêu đến giây phút cuối cùng và tôi có đủ can đảm để nhìn thẳng vào họng súng của các người!

Nói xong, chị bắt đầu cất cao tiếng hát của mình. Chị hát bài Tiến quân ca. Giọng hát của người con gái Đất Đỏ lúc này như thiết tha và bay bổng hơn, say sưa át cả tiếng tên chánh án đọc lệnh thi hành án tử hình cũng như tiếng hô ra lệnh cho toán lính lên đạn của tên đội trưởng lê dương. Khi tên chỉ huy ra lệnh cho bọn lính chuẩn bị nổ súng thì chị ngay lập tức ngưng hát và hét lên rằng:

- Đả đảo thực dân Pháp! Việt Nam độc lập muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!

Tiếng thét của chị như làm cho bọn đao phủ chùng tay, bảy tiếng súng khô khốc nổ chuệch choạc. Chị Võ Thị Sáu vẫn hiên ngang đứng đó. Cặp mắt chị trừng trừng nhìn thẳng vào chúng. Tên đội trưởng lê dương không tổ chức bắn loạt đạn thứ hai. Hắn rút súng ngắn lầm lũi bước lại gí ngay vào mang tai chị mà bóp cò...

Sau đó, chiến công và nhất là hành động anh hùng lẫm liệt trước kẻ thù của chị Võ Thị Sáu - người con gái Việt Nam anh hùng - đã được truyền tụng không chỉ trong các banh tù mà còn vào tới phòng ngủ của bọn chúa đảo, chức sắc cùng các gia đình trên toàn Côn Đảo...

Dân tộc Việt Nam luôn có truyền thống hào hùng, bất khuất: “có cái chết hóa thành bất tử, có những lời hơn mọi lời ca “. Vâng, chị Sáu vẫn sẽ sống mãi cùng lịch sử cách mạng việt Nam, vẫn in dấu trong thơ ca Việt Nam, đồng thời chị cũng góp phần tô điểm rạng rỡ cho non sông đất nước Việt Nam. Chị sẽ mãi là tấm gương kiên cường, bất khuất cho tuổi trẻ Việt Nam trong thời đại mới. Đứng trước những thách thức của cuộc đời, ở độ tuổi thanh niên, chúng ta hãy luôn lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi của công cuộc đổi mới, để từ đó góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa của đất nước giống như chị Võ Thị Sáu ngày nào.

2. Nguyễn Văn Trỗi sinh ngày 1-2-1940 tại làng Thanh Quýt, nay là xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 1956, Nguyễn Văn Trỗi một mình vào Sài Gòn sinh sống. Tại đây, anh vừa làm thuê để kiếm sống mà cũng vừa học nghề điện, sau đó trở thành công nhân Nhà máy điện Chợ Quán.

Vào năm 1963, Nguyễn Văn Trỗi gia nhập trở thành một chiến sỹ biệt động tại Sài Gòn. Bước vào đời hoạt động cách mạng, anh luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Có lần anh đã ném lựu đạn làm chết và bị thương một số tên địch.

Biết tin phái đoàn quân sự cấp cao của Mỹ do Mắc Namara - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu sẽ tới Sài Gòn thị sát chiến trường vào tháng 5-1964, lực lượng của ta liền vạch kế hoạch tiêu diệt Mắc Namara. Với tình yêu quê hương, đất nước cùng lòng căm thù quân xâm lược sâu sắc nên mặc dù mới cưới vợ chỉ được hơn 10 ngày, Nguyễn Văn Trỗi vẫn quyết chí xung phong nhận nhiệm vụ, cùng đồng đội tiến hành cài mìn tại cầu Công Lý (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi, TP. HCM) - nơi được dự đoán là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mác Namara cùng phái đoàn Mỹ từ sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm thành phố Sài Gòn sẽ đi qua. Thế nhưng, khi Nguyễn Văn Trỗi cùng đồng đội mới đặt được quả mìn nặng 8 kg ở cạnh cầu Công Lý, đang chuẩn bị nốt một số công việc còn lại thì không may việc bị bại lộ và anh bị địch bắt.
Để đảm bảo an toàn hoạt động cũng như tính mạng cho đồng đội, Nguyễn Văn Trỗi không chỉ kiên quyết không khai mà còn nhận trách nhiệm về mình. Sau một thời gian giam giữ, chịu mọi tra tấn, kẻ thù đã đưa Nguyễn Văn Trỗi ra xử tại tòa, rồi kết án tử hình.

Không chỉ hành động bất chấp hy sinh tính mạng trong vụ cài mìn ở cầu Công Lý vào năm 1964, Nguyễn Văn Trỗi còn thể hiện được ý chí và niềm tin sắt đá đến giây phút bị xử tử. Anh không chấp nhận rửa tội và còn khẳng định chính bọn Mỹ, ngụy mới là kẻ có tội, là thủ phạm đã gây ra cảnh xóm làng tan nát, cảnh lầm than chết chóc, cảnh con mất cha, cảnh vợ mất chồng. Nhiều lần anh đã nói thẳng vào mặt kẻ thù rằng:

- Còn giặc Mỹ, không ai có hạnh phúc cả!

Câu nói ấy không chỉ gây xúc động cho tuổi trẻ và nhân dân ta mà cả tuổi trẻ và nhân dân tiến bộ trên thế giới.

Tuy biết trước sẽ bị tử hình thế nhưng anh vẫn lạc quan, yêu đời. Tại pháp trường, Nguyễn Văn Trỗi rất bình thản và luôn giữ tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Khi địch bịt mắt anh, anh giật tấm băng đen và nói:

- Không, phải để tôi nhìn mảnh đất này, mảnh đất thân yêu của tôi.

Giây phút cuối cùng, anh dõng dạc hô to:

- Hãy nhớ lấy lời tôi

Đả đảo đế quốc Mỹ

Đả đảo Nguyễn Khánh

Hồ Chí Minh muôn năm!

Hồ Chí Minh muôn năm!

Việt Nam muôn năm!

Nguyễn Văn Trỗi chính là tấm gương sáng ngời để giáo dục lòng yêu nước, đức hy sinh cũng như tinh thần quật cường của nhân ta trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc; giáo dục và bồi dưỡng thế hệ trẻ ngày nay về lý tưởng cách mạng cao đẹp của Đảng và Bác Hồ; lòng yêu nước và tinh thần sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp đổi mới đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

3. Lý Tự Trọng tên thật là Lê Văn Trọng. Quê gốc của anh ở xã Thạch Minh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh nhưng lại sinh ra tại làng Bản Mạy, tỉnh NaKhon - Thái Lan trong một gia đình Việt kiều yêu nước có đông anh chị em. Cha ông là Lê Hữu Đạt, mẹ là Nguyễn Thị Sờm. Năm 1923, khi chỉ mới 10 tuổi, Lý Tự Trọng được sang Trung Quốc học tập, học giỏi, nói thạo tiếng Hán và tiếng Anh. Ông hoạt động trong Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên.

Vào năm 1929, Lý Tự Trọng về nước hoạt động với nhiệm vụ thành lập đoàn TNCS Hồ Chí Minh và làm liên lạc cho xứ uỷ Nam Kì với Đảng Cộng sản Việt Nam. Anh làm liên lạc cho các đồng chí cộng sản ở nước ngoài qua các chuyến tàu tới cảng Sài Gòn. Ngày 09/02/1931, trong một buổi kỷ niệm một năm cuộc bạo động Yên Bái, tên thanh tra mật thám Lơ Gơrăng đã chực nhảy tới bắt người đang giương cờ và diễn thuyết, Lý Tự Trọng nhanh chóng nhảy ra bắn chết Lơ Gơrang. Và sau đó, Lý Tự Trọng đã bị địch bắt và bị tra tấn hết sức dã man.

Năm 1931, trong một ngày cuối xuân, thực dân Pháp đưa Lý Tự Trọng từ bót Catina tới tòa án để kết án anh tội tử hình. Người thanh niên cộng sản chỉ mới 17 tuổi ấy đã lấy vành móng ngựa để làm diễn đàn, rồi lên án bọn thống trị, kêu gọi nhân dân đứng dậy đấu tranh. Luật sư bào chữa cho anh xin tòa mở lượng khoan hồng vì anh vẫn chưa đến tuổi thành niên nên đã hành động không có suy nghĩ.

Lý Tự Trọng dõng dạc nói:

- Tôi hành động không phải là không suy nghĩ. Tôi hiểu việc tôi làm. Tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi thành niên thật, nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu rằng con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác. Tôi tin rằng nếu các ông suy nghĩ kĩ thì các ông cũng cần phải giải phóng dân tộc, giải phóng những người cần lao như tôi.

Chánh án, một tên quan cai trị thực dân tuyên án xử tử anh, thế nhưng Lý Tự Trọng vẫn bình tĩnh. Tên thực dân Pháp hỏi anh có ăn năn gì không; Lý Tự Trọng đứng trước vành móng ngựa, mặt hướng thẳng phía trước chỉ nói một câu:
- Không ăn năn gì cả!

Ở trong xà lim án chém khám lớn Sài Gòn, Lý Tự Trọng oanh liệt sống những ngày cuối cùng của cuộc đời mình. Mọi điều về anh được những tên gác ngục, tên chủ khám truyền ra ngoài với một lòng cung kính, khâm phục:

- Ông nhỏ ngày nào cũng tập thể dục! Nhìn ông nhỏ sống không ai tưởng tượng được là người đợi đến ngày lên máy chém.

Lý Tự Trọng yêu đất nước, yêu đồng bào, yêu đồng chí của mình, anh lại càng yêu cuộc sống, sống trọn vẹn những năm tháng ngắn ngủi của cuộc đời mình không hề lãng phí, không để mầm bi quan len lỏi vào tâm hồn mình mặc dù biết rằng mình sắp bị giặc đem hành hình. Bọn thực dân tìm cách lung lạc ý chí gang thép của anh, thế nhưng tất cả những lời dụ dỗ của chúng đều bị anh đánh bại.

Tinh thần cách mạng bất khuất của Lý Tự Trọng đã làm cho kẻ thù phải khiếp sợ cũng như đã động viên cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng trong cả nước lúc bấy giờ. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Lý Tự Trọng tuy ngắn ngủi thế nhưng đã nêu một tấm gương chói lọi cho các thế hệ thanh niên noi theo. Hơn bao giờ hết câu nói: “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng” lại càng thôi thúc chúng ta cố gắng học tập thật tốt, đi đầu trong cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, chiến thắng cái nghèo, cái lạc hậu, chống nguy cơ tụt hậu về kinh tế, đấu tranh không khoan nhượng với những hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội; tin tưởng, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, nêu cao tinh thần cảnh giác, đánh bại chiến lược diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch bảo vệ thành quả cách mạng. Thế hệ trẻ chúng ta nguyện noi theo gương anh, sẽ viết tiếp những trang sử vàng chói lọi của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, của dân tộc Việt Nam anh hùng trên những chặng đường mới.

ThS Nguyễn Thị Thu Trang sưu tầm và giới thiệu