ThS. PHẠM KIM THÀNH

Trường Đại học Công Nghiệp Thực phẩm TP HCM

 

Tóm tắt: Nghiên cứu khoa học của sinh viên là một hoạt động quan trọng của các trường đại học hiện nay, qua đó hình thành năng lực, kinh nghiệm, kỹ năng nghiên cứu khoa học cho sinh viên. Nhận thức rõ điều đó, trong những năm qua, trường đại học Công Nghiệp Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học cho sinh viên và đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học sinh viên, trường cần phải tiếp tục đổi mới, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực hơn nữa.

Từ khóa: Nghiên cứu khoa học (NCKH), nghiên cứu (NC), sinh viên (SV), Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM)

   A. MỞ ĐẦU

Nghiên cứu khoa học (NCKH) chiếm một vai trò quan trọng trong đời sống con người nói chung và trong các hoạt động học thuật, tư duy trong môi trường giáo dục nói riêng. Chính vì lý do đó, hoạt động NCKH tại Việt Nam, và đặc biệt là tại các trường Cao đẳng Đại học nói chung và tại trường đại học Công nghiệp thực phẩm nói riêng được chú trọng và khuyến khích phát triển. Khoản 2 điều 28 Luật Giáo dục Đại học năm 2012 quy định một trong các nhiệm vụ và quyền hạn của trường cao đẳng, trường đại học, học viện là “triển khai hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục đại học.” Tuy nhiên, đối tượng của hoạt động Khoa học công nghệ trong các trường đại học không chỉ bao gồm giảng viên và các nhà khoa học khác, mà còn có cả sinh viên (SV) thuộc các loại hình đào tạo đang theo học tại trường.

Trong những năm gần đây, hoạt động NCKH của SV tại trường đại học Công Nghiệp Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh được chú trọng đầu tư nhiều hơn. Số lượng đề tài nộp tham gia các giải thưởng như “Tài năng Khoa học trẻ” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, “Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học – Eureka” do Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh phát động… tuy nhiên bên cạnh những điểm sáng đáng khen ngợi, hoạt động này còn nhiều hạn chế và cần có được sự quan tâm nhiều hơn từ phía nhà trường, các giảng viên với vai trò là người định hướng, hướng dẫn đề tài; và nhất là từ các bạn sinh viên. Hoạt động NCKH đưa lại cho các bạn sinh viên rất nhiều lợi ích, trong phạm vi bài viết này, tác giả chia sẻ một số quan điểm, nhận định của mình về vai trò của hoạt động NCKH đối với sinh viên của trường, kèm theo một số kiến nghị đề xuất để hoạt động này thực sự có ý nghĩa thiết thực hơn trong thời gian tới.

 

 

B. NỘI DUNG

I. Nghiên cứu khoa học vai trò của nghiên cứu khoa học đối với sinh viên.

  1. Một số khái niệm

Collis & Hussey (2014) chỉ ra rằng: Nghiên cứu là một quá trình tham vấn và điều tra một cách có hệ thống và có phương pháp nhằm làm gia tăng lượng kiến thức. Có nhiều cách thức phân loại nghiên cứu tùy theo các tiêu chí khác nhau. Trong đó, nếu chỉ xét đến mục đích sử dụng kết quả nghiên cứu thì có thể chia NCKH thành hai dạng cơ bản: Nghiên cứu hàn lâm và Nghiên cứu ứng dụng. NCKH trong trường đại học, về thực tế, thường hướng đến cả hai dạng cơ bản trên.

Điều 59 của Luật Giáo dục Đại học quy định: Sinh viên là người tham gia “chương trình đào tạo cao đẳng, chương trình đào tạo đại học.” Đối tượng “sinh viên” được xét đến trong bài viết này là những người học tập chính quy, toàn thời gian tại cơ sở đào tạo, được xét tuyển theo kì thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng tổ chức hàng năm. Có thể nói rằng thời gian làm SV là một trong những quãng thời gian đáng nhớ nhất của đời người, do đây là giai đoạn chuyển tiếp quan trọng, khi sự ràng buộc từ phía gia đình và nhà trường đối với mỗi cá nhân đã giảm đáng kể, và thay vào đó là khả năng tự chịu trách nhiệm về hành vi, cách cư xử và tương lai của họ. Thực tế cho thấy có nhiều SV tận dụng tốt thời gian này và đã trưởng thành nhanh chóng, trở thành những người có ích, phục vụ cho đất nước. Ngược lại, cũng có những SV ỷ lại, lãng phí thời gian và nỗ lực của mình và trở thành gánh nặng không nhỏ cho xã hội.

2. Vai trò của NCKH đối với SV trường đại học Công nghiệp Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh

Với chính sách khuyến khích SV tham gia NCKH ở trường đại học Công nghiệp Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh có thể nói SV nhận được khá nhiều lợi ích từ hoạt động này. Hình thức đào tạo tại trường đang được xây dựng theo chiều hướng ngày càng cải tiến, sinh viên có thể tiếp cận kiến thức lý luận và kiến thức thực tiễn thông qua nhiều cách thức phong phú, đa dạng. Trong đó, thực hiện nghiên cứu khoa học được đánh giá là phương pháp hiệu quả để sinh viên mở rộng vốn kiến thức cũng như vốn kỹ năng mềm của bản thân; là cơ hội để sinh viên áp dụng những kiến thức lý thuyết đã học vào việc giải quyết những vấn đề thực tiễn. Đặc thù là một trường thiên về các môn ứng dụng, vì vậy nghiên cứu ứng dụng không chỉ cung cấp cho sinh viên cơ hội tiếp cận với lĩnh vực chuyên môn yêu thích, mà còn tạo cho sinh viên một tác phong làm việc khoa học, rèn luyện cho sinh viên cách nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, tiếp cận từ nhiều phía.

Hoạt động nghiên cứu khoa học với nhiều hình thức khác nhau như viết tiểu luận, báo cáo thực tập, làm khóa luận, làm đề tài nghiên cứu… mang lại những ý nghĩa thiết thực cho sinh viên:

Thứ nhất, NCKH phải kể đến sự gia tăng đáng kể về kiến thức và kinh nghiệm nghiên cứu. Tham gia NCKH đòi hỏi người nghiên cứu phải không ngừng bổ sung, hoàn thiện kiến thức của mình, do đó việc tìm kiếm và đọc thêm các tài liệu bổ trợ là cần thiết. Thông qua điều này, kỹ năng nghiên cứu cũng như kiến thức phục vụ cho đề tài của các bạn SV sẽ tăng lên.

Thứ hai, Giúp sinh viên đào sâu hơn những kiến thức được học. Nghiên cứu khoa học sẽ phát huy khả năng phân tích, đánh giá, liên tưởng, kết hợp với những điều mới để giải quyết những vấn đề đang quan tâm, thắc mắc… từ một vấn đề sẽ mở rộng ra nhiều vấn đề làm phong phú kiến thức cũng như vốn sống chúng ta.

Thứ ba, Giúp sinh viên có kinh nghiệm viết báo cáo, chuyên đề tốt nghiệp sau này. Những kinh nghiệm này thực sự bổ ích cho sinh viên năm cuối và khi rời ghế nhà trường đi làm. Cao hơn là những luận văn thạc sĩ hoặc luận án tiến sĩ…

Thứ Tư, Phát triển và rèn luyện kĩ năng mềm trong đó có kỹ năng thuyết trình để bảo vệ đề tài nghiên cứu của mình. Bên cạnh đó, việc thực hiện và bảo vệ một đề tài nghiên cứu khoa học sẽ rèn giũa cho sinh viên kỹ năng diễn đạt, trình bày một vấn đề, kỹ năng thuyết trình, tập cho sinh viên phong thái tự tin khi bảo vệ trước hội đồng khoa học.  Đây cũng là trải nghiệm rất quý báu và thú vị mà không phải bất kỳ sinh viên nào cũng có được trong quãng đời sinh viên của mình.

Thứ năm, Xây dựng hành trang cho mình bằng những thành tích đạt được và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Bên cạnh những kiến thức và kinh nghiệm thu được thông qua việc nghiên cứu khoa học, sinh viên còn tạo dựng được những thành tích tốt trong quá trình học tập. Mỗi sinh viên khi tham gia nghiên cứu khoa học, thực hiện đề tài nghiên cứu sẽ được cộng thêm điểm rèn luyện. Những đề tài đạt giải được Nhà trường và các tổ chức trong xã hội khen thưởng. Đây cũng là cách thức giúp xây dựng hành trang trước khi tốt nghiệp của mình. Với những thành tích đạt được trong quá trình học tập, những sinh viên tích cực NCKH sẽ được các công ty, doanh nghiệp để ý đến và tạo cơ hội vào làm việc ưu tiên hơn cả.

II. Thực trạng NCKH của sinh viên trường đại học Công nghiệp Thực phẩm thành phố HCM

Khoa học và công nghệ là một trong những hoạt động cơ bản của Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (HUFI), hoạt động này được HUFI quan tâm và liên tục có những bước phát triển nhanh trong suốt 05 năm vừa qua (2015 - 2020).

Từ một cơ sở giáo dục đại học với nguồn lực hạn chế cho hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) (từ 2010-2015), các kết quả hoạt động KHCN của HUFI còn rất khiêm tốn: số công trình công bố trên tạp chí quốc tế uy tín chỉ đếm trên đầu ngón tay, số người thực hiện nhiệm vụ KHCN chiếm tỉ lệ thấp, các đề tài NCKH các cấp không nhiều, kinh phí đầu tư cho hoạt động KHCN rất ít.

Từ khi HUFI được cởi trói cơ chế hoạt động tự chủ bằng quyết định 901 của Thủ tướng Chính phủ (ngày 23/6/2015), với những chính sách phù hợp, HUFI đã có những bước phát triển KHCN đáng kể. Với chính sách thu hút nguồn nhân lực trình độ cao, có năng lực NCKH, HUFI đã gia tăng được một đội ngũ các nhà khoa học trong và ngoài nước. Có thể nói, trên cơ sở có nguồn nhân lực tốt cộng với chính sách đầu tư kinh phí đáng kể cho các hoạt động KHCN; chính sách hỗ trợ, khen thưởng hoạt động KHCN; chính sách thông thoáng cho hoạt động dịch vụ và chuyển giao KHCN, HUFI đã đạt được nhiều kết quả như: số công trình công bố quốc tế trên các tạp chí khoa học uy tín (ISI/Scopus) tăng lên đáng kể, năm 2019 HUFI lọt vào top 30 các cơ sở giáo dục đại học có nhiều công bố khoa học quốc tế nhất (với 120 bài); số đề tài NCKH cấp nhà nước, Bộ - Ngành, Tỉnh – Thành cũng tăng lên đáng kể, khẳng định năng lực NCKH của HUFI; các chuyển giao, dịch vụ KHCN với nhiều sản phẩm đã được nghiên cứu chuyển giao, có giá trị cao về công nghệ; kinh phí đầu tư hoạt động KHCN tăng cao, chiếm tỉ lệ 5% tổng doanh thu hàng năm.

Phát biểu khai mạc Hội nghị Tổng kết hoạt động khoa học công nghệ năm 2019 và định hướng hoạt động khoa học công nghệ năm 2020, 2021 của trường, PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh. “Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM luôn xác định khoa học và công nghệ có vai trò hết sức quan trọng cùng với công tác giáo dục và đào tạo đại học. Nghiên cứu khoa học là động lực và giải pháp cho mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường. Trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà trường đã có sự đầu tư về cơ sở vật chất và cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ nhằm phục vụ công tác đào tạo, phát triển ngành và phục vụ cộng đồng. Cụ thể: Nhà trường đã xây dựng trung tâm thí nghiệm với trang thiết bị hiện đại, thư viện với nguồn tài liệu học tập và nghiên cứu dồi dào… Bên cạnh đó, Nhà trường còn có chính sách thu hút giảng viên trình độ tiến sĩ, khen thưởng các bài báo đăng trên tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus, thành lập các nhóm nghiên cứu, cấp kinh phí cho các giảng viên và sinh viên thực hiện đề tài cấp Trường. Với sự nỗ lực của Ban Lãnh đạo và tập thể cán bộ - giảng viên, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM trong 3 năm gần đây (2017-2019) đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc xây dựng thương hiệu, phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học”.

Từ năm 2015 - 2019 số lượng đề tài, dự án cấp Tỉnh/Thành phố, cấp Bộ, cấp Nhà nước và Quốc tế ngày một tăng: có 02 đề tài hợp tác Quốc tế, 02 đề tài cấp Nhà nước; 10 đề tài cấp Bộ/cấp Tỉnh; 11 đề tài cấp Thành phố/Vườn ươm và 14 đề tài hợp tác tư vấn dịch vụ khoa học và chuyển giao công nghệ. Về đề tài cấp Trường Năm học 2018-2019 có 109 đề tài nghiên cứu khoa học (tăng 47% so với năm 2017-2018), trong đó có 59 đề tài giảng viên và 50 đề tài sinh viên, hủy hợp đồng 1 đề tài. Nghiệm thu đúng hạn là 93/109. Hiện tại đã nghiệm thu được 94 đề tài với 37 đề tài xếp loại xuất sắc (chiếm tỷ lệ 34%), 53 đề tài xếp loại khá và 2 đề tài xếp loại đạt. Một số đề tài nghiệm thu chậm hơn so với tiến độ là do thời gian nghiệm thu trùng với thời gian nhà trường tham gia đánh giá chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn AUN-QA, một số đề tài chưa công bố được bài báo, một số đề tài chưa tổ chức nghiệm thu do ảnh hưởng của covid-19.

Trong giai đoạn 2015-2020, công bố khoa học của cán bộ giảng viên Nhà trường luôn tăng và đã đạt được những thành tích đáng khích lệ. Số lượng bài báo khoa học của cán bộ giảng viên đăng trên các tạp chí uy tín ngày càng tăng, đặc biệt là số bài báo đăng trên tạp chí ISI/Scopus tăng mạnh: năm học 2015-2016 có 8 bài, tăng lên 66 bài năm 2018-2019 và 6 tháng đầu năm học 2019-2020 là 48 bài. Dự kiến hoàn thành chỉ tiêu 80 bài ISI/Scopus tăng 1,2 lần so với năm 2018-2019.

Đặc biệt, năm 2019 Nhà trường có 01 bằng khen dành cho cá nhân có nhiều đóng góp trong hoạt động khoa học công nghệ và phát triển hoạt động sáng tạo khoa học kỹ thuật của thanh thiếu niên, học sinh và sinh viên giai đoạn 2016 – 2018 của Bộ Khoa học Công nghệ và 01 giải thưởng sách quốc gia của Trung ương Hội xuất bản Việt Nam;

Trong cuộc thi nghiên cứu khoa học Euréka 2018: Với tính khoa học và khả năng ứng dụng của đề tài vào thực tiễn cao, 3 đội thi từ khoa Công nghệ thực phẩm đã xuất sắc mang vinh dự về cho trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh với 2 giải Nhất (lĩnh vực Công nghệ thực phẩm và lĩnh vực Nông Lâm Ngư nghiệp) và 1 giải Nhì (lĩnh vực Công nghệ thực phẩm). Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka năm 2019 trường có 01 nhóm sinh viên đạt giải nhất và 01 giải khuyến khích và giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka năm 2020: Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (HUFI) đã có 04 đề tài của sinh viên được lọt vào vòng chung kết các lĩnh vực: Công nghệ thực phẩm, kỹ thuật - công nghệ và nông lâm ngư nghiệp.

III. Một số đề xuất nâng cao ý thức của SV đối với hoạt động NCKH

1. Nhóm đề xuất với SV

1.1. Hoàn thiện về kiến thức chuyên môn và phương pháp nghiên cứu khoa học

Trở thành SV Đại học là một niềm vui, niềm tự hào không chỉ với bản thân SV mà còn của cả gia đình, thầy cô, bè bạn. Thiết nghĩ với một môi trường học tập, nghiên cứu năng động, sáng tạo, các bạn SV cần phải đầu tư nhiều hơn cho công việc chính yếu của “nghề” SV này – nghiên cứu và học tập. SV cần hoạch định rõ những loại kiến thức, kỹ năng mà mình cần có để có thể thành công trong quãng đường đại học nhiều chông gai này thông qua việc tham khảo ý kiến của các anh chị đi trước hoặc các thầy cô đang trực tiếp giảng dạy. Khi đã có định hướng cụ thể thì phải cố gắng tuân theo các bước mà mình đã đặt ra trong thời gian hợp lý nhất, quyết tâm thực hiện đến cùng. Có kiến thức, có phương pháp nghiên cứu sẽ giúp các bạn SV cảm thấy Nghiên cứu khoa học không phải là một cái gì đó thật xa lạ mà là một điều rất thân quen và không kém phần hấp dẫn.

1.2. Linh động trong việc sắp xếp kế hoạch, thời gian

Hiện nay đa số SV rất lơ là với vấn đề quản lý thời gian của mình. Nhiều SV dành phần lớn thời gian trong ngày chỉ để nói chuyện hoặc tham gia các diễn đàn và mạng xã hội với hiệu quả rất thấp. Quản lý thời gian hiệu quả sẽ giúp cuộc sống và việc học bớt ngột ngạt hơn và các mục tiêu đặt ra sẽ được đạt đến một cách nhanh chóng nhất.

Một lưu ý nhỏ là SV nên để các khoảng trống nhỏ giữa các công việc liền kề như một bước “dự trữ”. Tiếp theo, điều quan trọng hơn cả là phải kiên trì thực hiện các kế hoạch mình đã đề ra. Sau cùng, khi đã hoàn tất một giai đoạn nào đó, thì việc suy ngẫm về hiệu quả công việc là cần thiết nhằm rút kinh nghiệm và chuẩn bị cho những lần lên kế hoạch kế tiếp.

1.3. Hoạt động nhóm hiệu quả

Thái độ hợp tác tương trợ nhau góp phần quan trọng trong thành công của hoạt động nhóm, dẫn đến thành công chung của công trình NCKH. Khi lựa chọn nhóm, cần lưu ý đến tính cách và quan điểm của các cá nhân sao cho mọi người có thể hiểu và làm việc cùng nhau. Bên cạnh đó, nhóm cần chọn ra một nhóm trưởng có tiếng nói và có thể đại diện nhóm giải quyết những công việc chung. Nhóm trưởng phải là người có tinh thần trách nhiệm cao và khả năng quản lý tốt. Nhóm trưởng phân công công việc hợp lý, đôn đốc việc hoàn tất công việc một cách khéo léo nhưng hiệu quả. Một điều cần lưu ý là thái độ và hành động của nhóm trưởng góp phần quyết định vào sự đoàn kết hay chia rẽ của nhóm. Vì vậy, việc lựa chọn nhóm trưởng cần phải được cân nhắc một cách kỹ lưỡng.

3.2. Các đề xuất khác

Hoạt động NCKH trong SV không chỉ có ý nghĩa đối với bản thân SV, mà còn đối với Khoa và Nhà trường. Vì vậy, Khoa và Nhà trường cần có chính sách hỗ trợ và khuyến khích đối với bản thân SV và Giảng viên hoạt động này. Việc quản lý quá trình hoạt động NCKH của SV có thể được giao phó cho một câu lạc bộ chuyên trách với sự tham gia của chính SV. Như vậy, SV mới thấy được mình cũng là một phần trong hoạt động học thuật chung của Khoa và Nhà trường.

Ngoài ra, trong quá trình lên lớp, Giảng viên, ngoài việc giảng bài cho SV, cần gợi mở và hướng các bạn đến những vấn đề có thể đào sâu nghiên cứu nhằm kích thích sự sáng tạo hướng đến NCKH trong SV.

 

C. KẾT LUẬN

Nhìn chung, trong những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên trường đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được những thành tựu quan trọng. Thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học, nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau, gắn liền với đời sống sinh viên đã được giải quyết tốt. Điều quan trọng hơn, thông qua các hoạt động khoa học đã giúp cho nhiều sinh viên hình thành, củng cố và phát triển năng lực, kỹ năng nghiên cứu, kỹ năng làm việc nhóm; cách thức xem xét, giải quyết vấn đề chuyên môn và cuộc sống; ý thức, trách nhiệm đối với bản thân và cộng đồng; khơi dậy niềm đam mê và sáng tạo khoa học; tăng cường khả năng vận dụng tri thức và phương pháp luận khoa học để giải quyết các vấn đề của thực tiễn... Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những thành tựu trên đây. Trước hết là do có sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám Hiệu; sự quan tâm và tinh thần trách nhiệm cao của Ban chủ nhiệm các khoa và giảng viên hướng dẫn khoa học; sự nỗ lực và cố gắng của nhiều sinh viên, nhóm nghiên cứu; công tác tư vấn, quản lý khoa học có sự đổi mới nhằm lôi cuốn và phát huy vai trò của sinh viên tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, góp phần giải quyết những vấn đề của đời sống sinh viên gắn với chuyên ngành được đào tạo

 

Tài liệu tham khảo:
           
1. Báo cáo tổng kết hoạt động khoa học công nghệ năm 2019 và định hướng hoạt động khoa học công nghệ năm 2020, 2021 của trường đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Mnh

2. Pierre Joliot, “Nghiên cứu khoa học là gì”, Nxb Kim Đồng.

3. Quyết định ban hành thể lệ giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” dành cho sinh viên trong các trường đại học, Học Viện 2012.