Trân trọng giới thiệu bài viết của Th.s Phan Thị Thành , Khoa Chính trị - Luật, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh, được xuất bản tại Hội thảo Trường Đại học Tài chính Maketing 2021

Tóm tắt:

Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ khóa:Tổ chức công đoàn, giai cấp công nhân, người lao động

I.                   ĐẶT VẤN ĐỀ

Trước sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, đặc biệt là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã khơi dậy tiềm năng của đất nước, thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển. Tuy nhiên, mặt trái của nền kinh tế thị trường đã tạo ra nhiều mâu thuẫn so với bản chất của xã hội xã hội chủ nghĩa. Đó là xu thế phân hoá giàu nghèo, tâm lý sùng bái đồng tiền, sự cạnh tranh sống còn giữa các doanh nghiệp, mặt khác cơ chế thị trường cũng là mảnh đất nảy sinh chủ nghĩa cá nhân, tạo cơ hội cho một bộ phận bất chấp lợi ích tập thể, lợi ích cộng đồng, tìm mọi cách mưu lợi cho bản thân, điều này dẫn đến quyền và lợi ích của người lao động luôn bị đe doạ, xâm hại. Hơn thế, trong thời gian vừa qua, khi đại dịch Covid 19 bùng phát đã làm ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam, khiến người lao động gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Vì thế, Đảng và Nhà nước đã có nhiều quy định thành lập nên nhiều cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, trong đó công đoàn là một tổ chức có mối quan hệ gần gũi và có những hoạt động thiết thực, có hiệu quả để bảo vệ người lao động. Xuất phát từ những vấn đề đó, tác giả chọn nội dung “Vai trò của công đoàn trong việc thực hiện chức năng bảo vệ lợi ích cho người lao động trong giai đoạn hiện nay” làm bài tham luận cho Hội thảo với chủ đề “ 100 năm thành lập công hội đầu tiên ở Sài Gòn (1920-2020).

 

II.               NỘI DUNG

1.      Khái quát về sự hình thành và phát triển của tổ chức công đoàn

Việt Nam

Cùng với lịch sử phát triển của đất nước, tổ chức Công đoàn Việt Nam cũng có lịch sử riêng của mình cho thấy sự ra đời, trưởng thành, lớn mạnh của một tổ chức chính trị - xã hội.  Công đoàn Việt Nam, tiền thân là Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, được thành lập ngày 28/7/1929, nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. 

Từ cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp lần thứ I (1897-1914), giai cấp công nhân Việt Nam ra đời và phát triển nhanh chóng trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ II (1918-1930). Thời kỳ này, các đô thị và trung tâm công nghiệp cũng hình thành, có nơi tập trung hàng vạn người. Do bị cả thực dân và phong kiến bóc lột hà khắc, giai cấp công nhân Việt Nam đã vùng lên đấu tranh. Từ đấu tranh đã hình thành tính giai cấp và những người công nhân tập hợp lại thành tổ chức như các hội: Ái hữu, Tương tế, Phường hội, Nghiệp đoàn, Công hội… Đó là những tổ chức công đoàn sơ khai và có ở nhiều nơi.

Công hội Ba Son do bác Tôn Đức Thắng thành lập năm 1920 tại xưởng Ba Son đã có ảnh hưởng lớn trong khu vực Sài Gòn, Chợ Lớn. Song, Công hội này tồn tại trong thời gian ngắn và chưa có chính cương, điều lệ.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (đoàn viên công đoàn đầu tiên của Việt Nam khi Người gia nhập công đoàn Kim khí quận 17 Paris - Pháp năm 1919) là người đã đặt nền móng, xây dựng cơ sở lý luận và tổ chức cho sự ra đời tổ chức Công hội cách mạng ở Việt Nam mà cho đến nay những lời chỉ dẫn của Người vẫn là kim chỉ nam cho hoạt động công đoàn. Những năm tháng hoạt động trong phong trào công nhân và Công đoàn Quốc tế, Bác đã nghiên cứu hình thức, tổ chức Công đoàn ở các nước tư bản, thuộc địa và nửa thuộc địa. Từ đó rút ra kinh nghiệm thực tiễn đặt cơ sở lý luận và hình thức tổ chức cho Công đoàn Việt Nam.

Trong tác phẩm: “Đường cách mệnh”, xuất bản năm 1927 Người viết“Tổ chức công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình; hai là để nghiên cứu với nhau; ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ; bốn là để giữ gìn lợi quyền cho công nhân; năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”. Có thể nói trên bước đường đi tới chủ nghĩa Mác - Lênin và thành lập các tổ chức Cộng sản ở Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã quan tâm rất sớm tới tổ chức quần chúng của giai cấp Công nhân. Quá trình Người chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho sự thành lập một chính Đảng vô sản cũng là quá trình Người xây dựng cơ sở lý luận và biện pháp tổ chức Công đoàn cách mạng.

Từ những năm 1925-1928 nhiều Công hội bí mật đã hình thành do sự phát triển mạnh mẽ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đặc biệt từ năm 1928, khi kỳ bộ Bắc kỳ của Việt Nam Cách mạng Thanh niên đồng chí Hội chủ trương thực hiện vô sản hóa thì phong trào đấu tranh của Công nhân Việt Nam ngày càng sôi nổi, thúc đẩy sự phát triển của tổ chức công hội lên một bước mới cả về hình thức lẫn nội dung hoạt động.

Năm 1929 là thời điểm phong trào công nhân và hoạt động công hội ở nước ta phát triển sôi nổi nhất, đặc biệt là ở miền Bắc. Các cuộc đấu tranh của Công nhân nổ ra liên tục ở nhiều xí nghiệp, có sự phối hợp chặt chẽ và thống nhất hành động giữa xí nghiệp này với xí nghiệp khác trong cùng một địa phương và giữa địa phương này với địa phương khác.

Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân và tổ chức công hội đòi hỏi phải có một tổ chức, một Đảng thực sự cách mạng của giai cấp công nhân có khả năng tập hợp, lãnh đạo công nhân đấu tranh giành độc lập, tự do. Tháng 3/1929, chi bộ cộng sản đầu tiên được thành lập ở Hà Nội; tiếp đến ngày 17/6/1929, Đông Dương cộng sản Đảng ra đời. Đông Dương cộng sản Đảng giao cho đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, ủy viên lâm thời phụ trách công tác công vận của Đảng triệu tập đại hội thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ vào ngày 28/7/1929, tại số nhà 15 phố Hàng Nón - Hà Nội. Đại hội đã bầu đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là người đứng đầu Ban Chấp hành lâm thời Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ. Sự kiện thành lập Tổng Công hội đỏ miền Bắc Việt Nam là một mốc son chói lọi trong lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam. Lần đầu tiên giai cấp công nhân Việt Nam có một đoàn thể cách mạng rộng lớn, hoạt động có tôn chỉ, mục đích, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo công nhân lao động.  

Trải qua hơn 90 năm xây dựng và phát triển (1929-2020), tổ chức công đoàn ngày càng khẳng định được vai trò của một tổ chức dẫn dắt và bảo vệ quyền của người lao động trong quan hệ lao động. Tổ chức công đoàn đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành qua các thời kỳ cách mạng của dân tộc, sát cánh cùng giai cấp công nhân và người người lao động qua những giai đoạn lịch sử của cách mạng Việt Nam. Cùng với giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn luôn là lực lượng tiên phong, đóng vai trò trung tâm trong đời sống chính trị của đất nước.

Công đoàn Việt Nam đã xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ công đoàn mang bản chất giai cấp công nhân, luôn phấn đấu vì lợi ích của người lao động. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Công đoàn Việt Nam đã tập hợp, đoàn kết và phát huy tinh thần yêu nước, ý thức giác ngộ giai cấp của công nhân, viên chức, người lao động cả nước tham gia đấu tranh giành chính quyền, đưa nhân dân ta thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Mọi hoạt động của Công đoàn Việt Nam đều phục vụ lợi ích của đất nước, của dân tộc và của công nhân, người lao động. Nhiều thế hệ cán bộ Công đoàn Việt Nam đã tận tụy, phấn đấu hết mình vì sự nghiệp xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Công đoàn Việt Nam ngày càng chứng tỏ đây là tổ chức duy nhất, có đủ bản lĩnh và năng lực đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân và người lao động. Công đoàn là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nòng cốt của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là chỗ dựa vững chắc cho Đảng và Nhà nước, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

2.      Vai trò của tổ chức công đoàn trong việc thực hiện chức năng bảo

vệ lợi ích cho người lao động trong giai đoạn hiện nay

Trong xã hội tư bản, công đoàn có vai trò là trường học đấu tranh giai cấp, công đoàn vận động, tổ chức công nhân, người lao động đấu tranh chống lại giai cấp tư sản, bảo vệ quyền lợi của công nhân, người lao động. Cuộc đấu tranh giai cấp ngày càng gay gắt, biểu hiện từ đấu tranh kinh tế đến đấu tranh chính trị, với mục đích là lật đổ chủ nghĩa tư bản, xóa bỏ chế độ bóc lột người.

Khi bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, vai trò của công đoàn được mở rộng hơn. Công đoàn là trường học lớn của giai cấp công nhân, viên chức, lao động. Là trường học quản lý, công đoàn giúp cho người công nhân, viên chức và lao động biết quản lý mà trước mắt là tham gia quản lý sản xuất, quản lý xí nghiệp, quản lý các công việc xã hội. Là trường học kinh tế, công đoàn vận động công nhân, viên chức, người lao động tham gia tích cực vào việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, hoàn thiện các chính sách kinh tế, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hiệu suất sản xuất, kinh doanh. Công đoàn giáo dục công nhân, viên chức, người lao động thái độ lao động mới, giáo dục chính trị, tư tưởng, pháp luật, văn hóa, lối sống, hình thành nhân sinh quan, thế giới quan khoa học cho người lao động. Sự mở rộng vai trò của công đoàn là phù hợp với tính tất yếu khách quan, tính quy luật vận động và phát triển dcủa tổ chức công đoàn, phù hợp với quy luật chung của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Ngày nay, trong giai đoạn đất nước nước vào thời kỳ mở rộng giao lưu, hội nhập kinh tế quốc tế, vai trò của tổ chức Công đoàn không ngừng lớn mạnh, tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của mình trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho người lao động. 

Đặc biệt, ngay từ khi đại dịch COVID- 19 bùng phát và ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam, khiến người lao động gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Theo báo cáo của các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố và các Công đoàn ngành trong cả nước: tính đến 04/2020 có gần 5 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó có 59% tạm nghỉ việc, 28% là giãn việc hoặc nghỉ luân phiên và 13% là mất việc.  tập trung vào các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, dệt may, da giày.... và làm ảnh hưởng đến thu nhập và gây khó khăn cho đời sống của người lao động. Trước tình hình trên, Tổng liên đoàn đã thực hiện một số Công tác chỉ đạo các cấp công đoàn nghiêm túc thực hiện phòng chống dịch COVID-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người lao động. Lãnh đạo Tổng Liên đoàn đã trực tiếp đi nắm bắt tình hình, kiểm tra công tác tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh và động viên người lao động. Trước tình hình doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, Tổng Liên đoàn đã có văn bản hướng dẫn lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Nhiều Công đoàn địa phương đã trích ngân sách công đoàn để hỗ trợ người lao động; Vận động chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê trọ, điện, nước sinh hoạt cho công nhân lao động. Tổng Liên đoàn đã thành lập Tổ công tác nghiên cứu, đánh giá tác động của dịch bệnh đến việc làm, đời sống của công nhân viên chức lao động và tổ chức công đoàn; đề xuất chính sách, giải pháp hỗ trợ đoàn viên và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Nhiều công đoàn cơ sở đã chủ động phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện các giải pháp phòng chống dịch, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, có phương án cho người lao động nghỉ luân phiên, nghỉ phép năm; bố trí các ca làm việc hợp lý để người lao động có thể trông con khi các nhà trường tạm nghỉ do dịch bệnh. Đối với người lao động phải cách ly, công đoàn cơ sở đã tham gia để doanh nghiệp thực hiện chi trả 70% lương, hoặc áp dụng tính ngày nghỉ phép năm để đảm bảo thu nhập của người lao động không thấp hơn lương tối thiểu vùng theo quy định của pháp luật.

Như vậy, cùng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, tổ chức công đoàn đã thể hiện tốt vai trò của mình trong việc chăm lo, đồng hành cùng người lao động vượt khó với phương châm "ở đâu có lao động, ở đó có công đoàn".

Thực tế, trong chặng đường lịch sử của đất nước những năm qua, Công đoàn Việt Nam đă trưởng thành nhanh chóng, thể hiện rõ vai trò của mình đối với xã hội, Công đoàn đã thu hút, vận động giáo dục, tổ chức công nhân, viên chức và lao động tham gia tích cực vào công cuộc cách mạng. Trong các lĩnh vực của đời sống xã hội (kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá và tư tưởng), Công đoàn đã tỏ rõ sự tham gia tích cực, tác động mạnh mẽ của mình thông qua hệ thống tổ chức từ trung ương đến địa phương, ngành, cơ sở, thông qua lực lượng đoàn viên, Công nhân, viên chức và lao động đã đạt được những thành tựu to lớn góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng. Vai trò của Công đoàn Việt Nam được thể hiện trong các nội dung sau:

Thứ nhất, công đoàn là tổ chức rộng lớn đại diện cho quyền lợi của người lao động. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, đến ngày 29/3/2019 cả nước ước tính có 55,4 triệu người lao động từ 15 tuổi trở lên. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I/2019 ước tính là 76,6 % và số lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm ước tính 54,3 triệu người. Từ đó, có thể thấy trong cơ cấu dân số của nước ta, lực lượng lao động chiếm một tỷ trọng lớn. Người lao động tham gia lao động, sản xuất trong nhiều ngành, nghề khác nhau trong các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp. Với bề dày truyền thống và kinh nghiệm hoạt động trong hơn 90 năm của mình, rõ ràng công đoàn vẫn là tổ chức duy nhất mang trong mình hai sứ mệnh là đoàn thể chính trị trong hệ thống chính trị Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và là tổ chức lớn nhất, mạnh nhất đại diện cho người lao động, chăm lo lợi ích và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Thứ hai, công đoàn có vai trò tham gia xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh. Trước yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại đại hóa đất nước và trong bối cảnh của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ tư thì tổ chức công đoàn có vai trò tham gia xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh về cả số lượng và chất lượng. Công đoàn luôn coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, học tập nghiên cứu và vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối nghị quyết của Đảng vào thực tiễn công tác và đời sống công nhân, viên chức lao động. Nghiên cứu xây dựng cơ chế phối hợp tổ chức cho cán bộ, đoàn viên ưu tú khu vực ngoài nhà nước, học tập nâng cao trình độ chính trị. Đặc biệt, phải kiên trì sáng tạo trong việc tổ chức cho cán bộ đoàn viên, công nhân viên chức lao động học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… Công đoàn còn định hướng, giáo dục công nhân viên chức lao động giữ vững bản lĩnh có ý thức nhạy bén chính trị, tăng sức đề kháng cho công nhân lao động trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội và sự chống phá, xuyên tạc, của các thế lực thù địch.

Thứ ba, công đoàn tham gia xây dựng và hoàn thiện pháp luật, quan tâm và chăm lo đời sống, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của người lao động. Việc luật hóa các nội dung trong các Công ước quốc tế về bảo vệ quyền của người lao động là những yêu cầu bắt buộc nhằm đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế. Việc sửa đổi Luật Công đoàn là một trong những yêu cầu đặt ra để tương thích với các quy định của luật quốc tế, phù hợp với sự phát triển của đất nước. Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn còn luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống của người lao động, tạo thêm nhiều việc làm, nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người lao động.

Việc làm, đời sống, chế độ chính sách đối với người lao động là một trong những mối quan tâm hàng đầu của tổ chức công đoàn. Khoản 2 Điều 2 Luật công đoàn quy định: Công đoàn đại diện và tổ chức người lao động tham gia quản lý cơ quan đơn vị, tổ chức, quản lý kinh tế xã hội, quản lý Nhà nước; trong phạm vi chức năng của mình, thực hiện quyền kiểm tra giám sát hoạt động của cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật.

3.      Một vài kiến nghị để phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức công

đoàn trong việc bảo vệ lợi ích của người lao động.

Hiện nay, có nhiều yếu tố tích cực và tiêu cực đang tác động trực tiếp, gián tiếp đến tổ chức và hoạt động của công đoàn. Trong những năm tới, lực lượng lao động ở khu vực kinh tế ngoài quốc doanh sẽ tăng nhanh. Đây là cơ hội tốt để công đoàn phát triển lớn mạnh ngang tầm những nhiệm vụ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tuy vậy, hoạt động công đoàn cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trở ngại vì mối quan hệ lao động sẽ có những diễn biến phức tạp hơn. Tình hình này đã và đang đặt ra cho tổ chức công đoàn những yêu cầu đổi mới mạnh mẽ cả về tổ chức cũng như nội dung hoạt động. Muốn thực hiện tốt điều này, ngoài việc tự vận động của công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp, cần phải có sự hỗ trợ, đồng tình từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước, công đoàn cấp trên và nhất là sự hỗ trợ của người sử dụng lao động. Qua nghiên cứu và tìm hiểu thực tế, tác giả đề xuất một vài kiến nghị mang tính tham khảo nhằm phát huy vai trò của công đoàn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, cụ thể:

Thứ nhất, tổ chức công đoàn phải rà soát, hoàn thiện các quy định về công đoàn, trong đó quan trọng nhất vẫn là sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật Công đoàn 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với hoạt động của tổ chức công đoàn. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức công đoàn trong điều kiện của tình hình mới. Trên cơ sở đó cần sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện các quy định có liên quan đến quyền thành lập, gia nhập tổ chức công đoàn của người lao động.

Thứ hai, tổ chức công đoàn phải đổi mới nội dung, phương thức, phương pháp chỉ đạo hoạt động một cách thực chất hơn, bám sát với nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên và người lao động. Việc này có ý nghĩa trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn, để hoạt động của tổ chức được thực chất và hiệu quả hơn. Tránh tình trạng hoạt động của tổ chức công đoàn ở nhiều địa phương, trong nhiều cơ quan, doanh nghiệp còn mang tính hình thức, đối phó, hiệu quả và chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn không cao, chưa thể hiện được vị trí và vai trò của một tổ chức đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động nơi làm việc.

Thứ ba, tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, nhất là ở doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chú trọng đổi mới phương thức kết nạp đoàn viên theo hướng linh hoạt, chủ động, thân thiện, đơn giản về thủ tục, kịp thời quan tâm, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển đảng, quan tâm đối tượng người lao động trực tiếp, nhất là công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế. Phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong giáo dục, rèn luyện và giới thiệu đoàn viên công đoàn ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp. Tập trung đầu tư nguồn lực nâng cao chất lượng công đoàn cơ sở và cấp trên cơ sở, ưu tiên công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước và công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng, thực sự chuyên nghiệp, bản lĩnh, tâm huyết, trí tuệ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ưu tiên và có chính sách đặc thù trong đào tạo, tuyển dụng, sử dụng cán bộ công đoàn trưởng thành từ cơ sở, từ phong trào công nhân.

Thứ tư, có chế độ đãi ngộ xứng đáng cho cán bộ công đoàn cơ sở. Chế độ phụ cấp cho cán bộ công đoàn cơ sở đã được quy định tại Quyết định số 1439/QĐ-TLĐ ngày 14/12/2011 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, là cơ sở cho việc thực hiện chế độ đãi ngộ với cán bộ công đoàn ở các đơn vị, doanh nghiệp. Tuy nhiên, mức phụ cấp, hệ số phụ cấp hiện nay vẫn còn thấp, chưa tạo động lực cho các cán bộ công đoàn cơ sở, chưa thu hút được những người lao động có năng lực, nhiệt huyết làm cán bộ công đoàn. Vậy nên, cần phải xem xét, quy định lại chế đãi độ xứng đáng hơn cho cán bộ công đoàn cơ sở.

Thứ năm, chủ động hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế và khẳng định vai trò của Công đoàn Việt Nam, phát huy hiệu quả các hoạt động hợp tác quốc tế hỗ trợ cho hoạt động công đoàn. Hiện nay, Việt Nam đã gia nhập nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhiều công ước quốc tế sẽ có hiệu lực ở Việt Nam. Tuy vậy, hiện tại Việt Nam vẫn chưa phê chuẩn Công ước 87 về quyền tự do hiệp hội và về việc bảo vệ quyền được tổ chức năm 1948 của ILO (Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế), đây được coi là 1 trong 8 công ước cốt lõi của ILO thuộc khuôn khổ tuyên bố năm 1998 về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động. Vì vậy, cần phải tiếp tục các bước cần thiết, chuẩn bị cho việc phê chuẩn đối với công ước 87 của ILO. Đây là một yêu cầu bắt buộc trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn hiện nay, nhằm góp phần nâng cao vị thế của công đoàn Việt Nam.

Thứ sáu, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, người lao động. Đổi mới việc tổ chức phong trào thi đua yêu nước theo hướng thiết thực, hiệu quả, sát hợp từng đối tượng, lĩnh vực, góp phần khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn, của người lao động trong xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Triển khai có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cấp công đoàn, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của công nhân, viên chức, người lao động cả nước. Tiếp tục đổi mới công tác đánh giá, tổng kết phong trào thi đua; tiến hành biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, quan tâm khen thưởng người lao động trực tiếp và các tập thể nhỏ. Chú trọng phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến, mô hình hoạt động hiệu quả trong các cấp công đoàn và xã hội.

Thứ bảy, tăng cường bồi dưỡng, nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị, giác ngộ giai cấp, tinh thần dân tộc, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp và hiểu biết pháp luật cho đoàn viên, người lao động. Tập trung tuyên truyền, giáo dục, giúp đoàn viên, người lao động nâng cao nhận thức về giai cấp, về Đảng, về chế độ, về tổ chức Công đoàn, về sứ mệnh của giai cấp công nhân Việt Nam. Giáo dục, phát huy lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, ý thức chính trị, kiến thức pháp luật, giữ vững bản lĩnh, tăng sức đề kháng trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội cho đoàn viên, người lao động. Không ngừng nâng cao trình độ, ý thức, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, kỹ năng nghề nghiệp, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, giúp đoàn viên, người lao động có việc làm bền vững và cuộc sống tốt đẹp hơn.

Thứ tám, đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, bảo đảm việc làm, tiền lương, thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của công nhân, người lao động. Tập trung nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, coi đây là phương thức bảo vệ người lao động từ xa, trên diện rộng và hiệu quả. Nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động, quyền của tổ chức công đoàn, bảo đảm cho người lao động có việc làm ổn định, thu nhập ngày càng nâng cao, đời sống tốt hơn cả khi làm việc và khi nghỉ chế độ hưởng lương hưu. Thực tiện tốt chương trình “Tết Sum vầy”, “Mái ấm Công đoàn”, nâng cao chất lượng bữa ăn ca, hoạt động của Quỹ xã hội từ thiện Tấm lòng vàng lao động,…

Như vậy, làm tốt công tác chăm lo và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho công nhân viên chức, lao động và thực hiện đúng chức năng công đoàn, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng công nhân viên chức, lao động, đồng thời sẽ làm cho công đoàn ngày càng đông về số lượng, mạnh về chất lượng. Làm cho công đoàn thật sự là chỗ dựa, là niềm tin của công nhân viên chức, lao động; là chỗ dựa, cộng tác đắc lực của nhà nước; là sợi dây nối liền Đảng với công nhân viên chức, lao động, góp phần xây dựng thành công một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất độc lập giàu mạnh, dân chủ và tiến bộ.

III.            KẾT LUẬN

Phát huy truyền thống vẻ vang 90 năm xây dựng và phát triển, nhận thức sâu sắc sứ mệnh và trọng trách mà Đảng, Nhà nước và đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động cả nước giao phó, các cấp công đoàn, toàn thể cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động nguyện nỗ lực rèn luyện, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, chủ động đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn; tập trung đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, tích cực xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Danh mục tài liệu tham khảo:

1.      Đào Mộng Điệp, (2015) Đại diện lao động và pháp luật về đại diện lao động - Những vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam, NXB Tư pháp, Hà Nội.

2.      Đặng Quang Điều (2009), Công đoàn đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức – lao động , Lao động và công đoàn

3.      Lê Thanh Hà (2011), Vai trò công đoàn trong kinh tế thịu trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Báo lao động

4.      Quốc hội (1992), Hiến pháp, Hà Nội.

5.      Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (2013), Điều lệ công đoàn Việt Nam khóa XI.