Trân trọng giới thiệu bài viết của Thạc sĩ Phạm  Kim Thành được công bố trên Tạp chí Dạy và Học ngày nay - năm 2020.

 

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ GIÁO DỤC VÀ VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ GIÁO DỤC

TRONG CÔNG TÁC GIÁO DỤC SINH VIÊN HIỆN NAY

Phạm Kim Thành

Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM

 

Tóm tắt: Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt cuộc đời cống hiến trọn vẹn cho độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Người đã ra đi mãi mãi nhưng những tư tưởng của Người luôn là di sản văn hóa vô giá của dân tộc Việt Nam. Một trong những tư tưởng quý giá cần được vận dụng rộng rãi trong giai đoạn hiện nay là tư tưởng của Hồ Chí Minh về giáo dục. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh công tác trong nghề dạy học không nhiều, tuy nhiên, những tư tưởng của Hồ Chí Minh về giáo dục bắt nguồn từ đây. Người đã dành sự quan tâm và tình cảm rất lớn cho thế hệ trẻ - thế hệ nắm giữ vận mệnh của dân tộc, quyết định tương lai của đất nước. Ngày nay, mấy thập kỷ đã trôi qua nhưng những tư tưởng của Người về giáo dục tiếp tục được vận dụng trong công cuộc giáo dục thế hệ trẻ.

Từ khóa: Sinh viên, vai trò của giáo dục, tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục

 

HOCHIMINH THOUGHTS ON EDUCATION AND APPLICATION OF HO CHI MINH THOUGHT ON EDUCATION IN CURRENT SUDENT EDUCATION COURSE

 

Abstract: President Ho Chi Minh dedicated his whole life to independence, freedom of the nation, and happiness of the people. Although he is gone forever, his thoughts has been being invaluable heritage for Vietnamese people. Among his precious thoughts, the one that needs to be applied broadly in present period is his thought on education. In his lifetime, Ho Chi Minh did not worked much in teaching, however, his thoughts on education originated from such short period. He spent enormous care and affection for young generations - the generations that hold the people’s destiny and decide the country’s future. Nowadays, after several decades, his thoughts on education still has been being applied in young generation education.

Key words: Student, education’s role, Hochiminh’s thoughts on education.

 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm phát triển sự nghiệp giáo dục của đất nước. Người đã có những chỉ dẫn hết sức quý báu về mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung và phương pháp giáo dục... nhằm phát triển một nền giáo dục toàn diện. Những chỉ dẫn đó không chỉ có giá trị trực tiếp chỉ đạo công tác giáo dục của đất nước thời đó, mà vẫn còn nguyên giá trị định hướng, soi đường cho công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo của nước ta hiện nay.

1. Tư tưởng Hồ chí Minh về giáo dục

 Một là, giáo dục phải gắn với với mục tiêu, nhiệm vụ của đất nước trong từng thời kỳ      

         Trong Thư gửi các sinh viên nhân Ngày khai trường đầu tiên dưới chế độ dân chủ cộng hoà, tháng 9-1945, Người viết: “Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em... Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”(1).    

         Tháng 9-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự khai giảng khóa học đầu tiên của Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương tại Chiến khu Việt Bắc, Người ghi vào cuốn Sổ vàng truyền thống của Trường: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể “giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”. Muốn đạt mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”(2).          

          Trong Bài nói chuyện tại Lớp đào tạo hướng dẫn viên các trại hè cấp I, ngày 12-6-1956, Người đã nêu vai trò của giáo dục trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước: “Nhiệm vụ giáo dục rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục. Bây giờ đang xây dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà để dần dần đến chủ nghĩa xã hội. Kháng chiến thì cần nhiều cán bộ quân sự. Bây giờ xây dựng kinh tế. Không có cán bộ không làm được. Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn hoá”(3).   

          Tại Lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc, ngày 13-9-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài nói quan trọng về nhiệm vụ của người thầy giáo với sự nghiệp giáo dục đào tạo. Người căn dặn: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. chúng ta phải đào tạo ra các công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà. Nhân dân, Đảng, Chính phủ giao các nhiệm vụ đào tạo thế hệ tương lai cho các cô, các chú. Đó là một nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang”(4). Người chỉ rõ: Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa. Trước lúc đi xa, trong Di chúc Người căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

          Hai là, nội dung giáo dục toàn diện      

          Giáo dục toàn diện, theo Hồ Chí Minh, bao gồm thể dục, trí dục, mỹ dục, đức dục và kết hợp các nội dung trên. Người chỉ rõ: 

      “- Thể dục: Để làm thân thể mạnh khoẻ, đồng thời cần giữ vệ sinh riêng và vệ sinh chung.      

           - Trí dục: Ôn lại những điều đã học, học thêm những tri thức mới.   

           - Mỹ dục: Để phân biệt cái gì là đẹp, cái gì là không đẹp.    

          - Đức dục: Là yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu trọng của công (5 cái yêu).     

           Các em cần rèn luyện đức tính thành thật và dũng cảm.      

           Ở trường, thì kính thầy, yêu bạn, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau.       

           Ở nhà, thì yêu kính và giúp đỡ cha mẹ.        

     Ở xã hội thì tuỳ sức mình mà tham gia những việc có ích lợi chung...”(5).               

 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn việc vận dụng nội dung giáo dục cho mỗi lứa tuổi, mỗi cấp học, bậc học: Đối với “Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà. Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế. Tiểu học thì cần giáo dục các cháu thiếu nhi: Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công. Cách dạy phải nhẹ nhàng và vui vẻ, chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn. Phải đặc biệt chú ý giữ gìn sức khoẻ của các cháu(6). Kiến thức là đặc biệt cần thiết để kiến thiết quốc gia, bảo vệ đất nước, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ ra rằng, đạo đức đóng vai trò nền tảng cho sự phát triển nhân cách, bên cạnh tài thì đức là một nhân tố quan trọng để tập hợp, động viên lực lượng thực hiện mọi công việc của đất nước, của nhân loại. Người nêu rõ: “Giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản... thì còn làm nổi việc gì?”(7).         

 Nói chuyện với cán bộ sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ngày 21-10-1964, Người chỉ rõ: “Dạy cũng như học phải chú trọng đến cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng”(8).        

          Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên khích lệ, động viên giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phải bồi dưỡng cho thế hệ trẻ tình cảm tốt đẹp, trước hết là tình thương yêu gia đình, bạn bè, đồng chí, quý trọng thầy cô giáo, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, hình thành ý thức kỷ luật, ý thức tập thể, lối sống thật thà, khiêm tốn, trung thực, giản dị, biết xử sự theo tinh thần “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người” và thói quen thực hành đời sống mới.        

          Theo đó, phải chú trọng các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hoá, kỹ thuật, lao động và sản xuất. Thế hệ trẻ phải được giáo dục về lý tưởng và đạo đức xã hội chủ nghĩa như hạt nhân nhân cách của con người trong chế độ xã hội mới. Đồng thời, nhà trường phải bảo đảm cho thế hệ trẻ dần dần làm chủ kho tàng kiến thức văn hoá của loài người, trau dồi cho mình một vốn hiểu biết về khoa học, kỹ thuật cơ bản, thiết thực, vững chắc, có thể vận dụng vào thực tế và rèn luyện kỹ năng, thói quen lao động thực hành.   

         Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nền giáo dục toàn diện phải là nền giáo dục mang tính nhân dân sâu sắc, nền giáo dục không phải chỉ dành riêng cho một số người hoặc một giai cấp mà cho toàn thể quốc dân Việt Nam. Ngay sau ngày đất nước giành được độc lập, cách mạng trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc, bởi giặc giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: công việc phải thực hiện cấp tốc lúc này là nâng cao dân trí, mọi người Việt Nam phải có kiến thức mới để tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết. Người đã chỉ ra rằng: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Chính vì vậy, vào đầu năm 1946, Người đã trả lời các nhà báo nước ngoài rằng: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành...”(9).

           Ba là, học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tiễn    

          Để đạt được mục tiêu đề ra và nội dung giáo dục trở thành hiện thực, cần phải có phương châm, phương pháp giáo dục đúng đắn, nhằm làm cho sinh viên học tập, rèn luyện một cách tự giác và tích cực để tiếp thu được nội dung giáo dục, chuyển hoá nội dung giáo dục thành phẩm chất tốt đẹp của nhân cách. 

          Học phải đi đôi với hành, lý luận phải được liên hệ với thực tiễn. Học phải gắn với hành, học mà không hành, không áp dụng vào thực tế khác nào chiếc hòm đựng đầy sách, hành mà không học thì hành không trôi chảy. Người cho rằng: “Một người học xong đại học, có thể gọi là có trí thức. Song y không biết cày ruộng, không biết làm công, không biết đánh giặc, không biết làm nhiều việc khác. Nói tóm lại: Công việc thực tế, y không biết gì cả. Thế là y chỉ có trí thức một nửa. Trí thức của y là trí thức học sách, chưa phải là trí thức hoàn toàn. Y muốn thành người trí thức hoàn toàn, thì phải đem cái trí thức đó áp dụng vào thực tế”(10).

         Người chỉ rõ: “Lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lý luận. Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên. Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng, để đem loè thiên hạ thì lý luận ấy cũng vô ích. Vì vậy, chúng ta phải gắng học, đồng thời học thì phải hành...”(11)

          Học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình, là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta. Học để làm. Lý luận phải đi đôi với thực tiễn.  

          Trong bài nói chuyện với cán bộ, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ngày 21-10-1964, Bác đã ân cần chỉ bảo: “Các cháu sinh viên không nên học gạo, không nên học vẹt, Bác không cần giải thích học gạo, học vẹt là thế nào, vì các cháu biết cả rồi. Học phải suy nghĩ, phải liên hệ với thực tế, phải có thí nghiệm và thực hành. Học với hành phải kết hợp với nhau”(12).      

          Phát biểu trong buổi khai giảng khoá I (1949) Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, Người nhắc nhở học phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ, đào sâu, hiểu kỹ, suy nghĩ cho chín chắn, kỹ càng, mạnh dạn đề xuất vấn đề và thảo luận cho thông suốt, đối với bất kỳ vấn đề gì cũng nên đặt câu hỏi “vì sao”. Những điều căn dặn của Người về phương pháp dạy và học vừa sâu sắc, tinh tế và chính là một nội dung rất quan trọng trong lý luận dạy - học.

           Nói chuyện tại Đại hội Giáo dục phổ thông toàn quốc, ngày 23-3-1956, Người khuyên nên tìm hiểu dạy cái gì, dạy như thế nào để sinh viên hiểu chóng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh, dạy và học không được phép câu nệ, hình thức, nhồi sọ mà phải biết “quý hồ tinh, bất quý hồ đa” và cốt yếu là phải làm cho người học hiểu thấu vấn đề. Người chỉ ra rằng để người học hiểu thấu vấn đề thì có hai cách dạy, một cách dạy thật tỷ mỷ và cách thứ hai là dạy bao quát. Nghĩa là phải chọn lấy cái gì cơ bản nhất, cốt yếu nhất mà người học không thể quên, không thể nhầm lẫn với cái khác, khi cần có thể đem ra vận dụng ngay và còn có thể bổ sung cho phong phú thêm.         

          Trong việc huấn luyện và học tập, Bác rất coi trọng động cơ và phương pháp. Người cho rằng, muốn học tập có kết quả tốt thì phải có thái độ đúng và phương pháp đúng.       

Trong sự nghiệp giáo dục đào tạo cũng như trong việc huấn luyện cán bộ, đảng viên nói chung, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều nhắc tới tính thiết thực và hiệu quả. Người chỉ rõ: Dạy và học cần phải theo nhu cầu của dân tộc, của đất nước, bảo đảm cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế(13).     

    Để đạt được mục tiêu giáo dục, ngoài phương châm giáo dục đã nêu,  cần coi trọng sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội. Quan điểm này của Người từ lâu đã trở thành phương châm giáo dục được các cấp quản lý và các cơ sở giáo dục cố gắng thực hiện. Người chỉ rõ giáo dục các em là việc chung của gia đình, trường học và xã hội. Các bậc phụ huynh, thầy giáo phải cùng nhau phụ trách, trước hết phải gương mẫu cho các em trước mọi việc.        

     Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở những người làm công tác giáo dục phải nhận thức đúng đắn giáo dục là sự nghiệp của toàn Đảng, các cấp, các ngành và toàn dân, kết quả giáo dục tuỳ thuộc rất nhiều vào sự tham gia tích cực, sự giúp đỡ thiết thực và sự giác ngộ về trách nhiệm đối với giáo dục của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp và toàn xã hội.

          Người chỉ rõ, để có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội cần phát huy dân chủ, xây dựng mối quan hệ đoàn kết giữa thầy với thầy, giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa nhà trường với nhân dân. Để gắn kết các yếu tố nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác giáo dục cần chú trọng các phong trào thi đua. Người dành sự quan tâm chỉ đạo cụ thể, sát sao các phong trào thi đua, như phong trào “Người tốt, việc tốt” trong toàn quốc, phong trào “Dạy tốt - học tốt” trong nhà trường, đề xuất công tác Trần Quốc Toản, phong trào “Kế hoạch nhỏ” cho các cháu thiếu niên và nhi đồng,.. nhằm tạo nên môi trường xã hội rộng lớn và thuận lợi cho công tác giáo dục.    

2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục trong công tác giáo dục sinh viên hiện nay
2.1. Những hạn chế trong công tác giáo dục sinh viên hiện nay
            Hiện nay sự vận dụng tư tưởng của Hồ Chí Minh về giáo dục trong giáo dục sinh viên còn nhiều hạn chế: Người giáo viên còn xem trọng vấn đề truyền đạt tri thức hơn việc giáo dục nhân cách cho sinh viên. Một bộ phận giáo viên không đủ phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, làm ảnh hưởng đến truyền thống “tôn sư trọng đạo” của người Việt Nam. Mặt khác, một số môn Lý luận chính trị là bộ môn chính để giáo dục nhân sinh quan, lý tưởng sống cho các em chưa được chú trọng đúng mức, việc giáo dục toàn diện cho các em cũng gặp nhiều khó khăn bởi tâm lý “môn chính, môn phụ” của sinh viên khiến các em ít xem trọng các môn học bổ trợ. Bên cạnh đó, việc vận dụng phương pháp “học đi đôi với hành, lý thuyết gắn liền với thực tiễn” chưa thực sự đạt hiệu quả cao. Quá trình phối hợp giữa các môi trường giáo dục các em chưa thực sự được chặt chẽ và thống nhất. Những hạn chế trên còn gặp phải khó khăn khi đối tượng giáo dục là sinh viên đang ở giai đoạn phát triển tâm sinh lý phức tạp, đã hình thành cơ bản về mặt nhận thức, trí tuệ và vẫn tiếp tục phát triển hoàn thiện. Vì vậy, trước thực trạng nêu trên cần phải vận dụng tư tưởng của Hồ Chí Minh về giáo dục như thế nào trong giáo dục sinh viên ngày nay để đạt được hiệu quả cao?
2.2. Một số giải pháp cụ thể
            Một là phải luôn ý thức được tầm quan trọng của giáo dục đối với sinh viên. Từ đó vừa chú ý chăm lo giảng dạy tri thức đồng thời vừa giáo dục nhân cách cho sinh viên
            Giáo viên phải luôn trau dồi kiến thức chuyên môn thật tốt, có phương pháp truyền đạt tri thức phù hợp, hiệu quả. Đồng thời người giáo viên phải rèn luyện phẩm chất đạo đức của người công dân tốt, phải có đạo đức nghề nghiệp tốt - là nhân cách nhà giáo được tôn vinh trong truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam. Mỗi người giáo viên phải là tấm gương sáng về mặt trí tuệ cũng như về nhân cách đạo đức để các em noi theo.Trong quá trình giảng dạy giáo viên phải luôn kết hợp vừa giảng dạy tri thức vừa giáo dục nhân cách cho sinh viên để giúp các em vừa được học kiến thức chuyên môn, vừa học cách làm người. Người giáo viên cần phải luôn ý thức được sản phẩm của mình là con người, là thế hệ trẻ - người nắm giữ vận mệnh dân tộc, tương lai đất nước. Các em cần phải được đào tạo phát triển toàn diện, đúng hướng mới giúp đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững hội nhập quốc tế. Sâu xa hơn nữa, các trường đại học, cao đẳng đào tạo ngành sư phạm cần phải được nghiêm túc đầu tư thích đáng, đúng đắn và có giải pháp phù hợp để đào tạo được những người thầy, người cô vừa “hồng” vừa “chuyên”, đủ sức gánh vác việc giáo dục tạo ra một thế hệ trẻ tương lai của đất nước phát triển tốt mọi mặt. Để có một người trò phát triển tốt cần phải có một người thầy tốt, để có một thế hệ trò tốt thì cần một thế hệ thầy, cô tốt. Làm được như thế chính là chìa khóa mở ra cánh cửa đưa nước ta tiến tới: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
            Hai là thực hiện mục tiêu xây dựng một nền giáo dục toàn diện, giáo dục theo hướng phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân
            Một nền giáo dục thành công là một nền giáo dục phát triển toàn diện con người về trí tuệ, sức khỏe, đạo đức, thẩm mỹ. Đối với sinh viên việc giáo dục toàn diện đối với các em là luôn cần thiết. Bởi vì các em cần có được kiến thức cơ bản, chuyên môn phát triển trí tuệ để các em dựa vào đó mới có thể làm được những công việc mà các em dự tính trong tương lai. Trong cuộc sống, từ những điều nhỏ nhất đều phải học tập, phải có kiến thức nhất định mới có thể làm việc được. Ở phạm vi lớn hơn, muốn có một đất nước khoa học kỹ thuật phát triển cần có những trí thức xuất sắc. Bên cạnh đó, cần chú ý đến các môn học bổ trợ khác cho sinh viên như đạo đức, sức khỏe, thẩm mỹ. Giáo dục đạo đức giúp các em phân biệt được đúng, sai, việc nên làm và việc không nên làm; giúp các em hiểu và ý thức được trách nhiệm của mình với người thân, với các mối quan hệ xã hội, với đất nước, với cộng đồng. Giáo dục thẩm mỹ cho các em giúp các em nhận thức được những cái hay, cái đẹp của cuộc sống và biết làm ra những cái hay, cái đẹp tương tự. Khi đã được giáo dục về đạo đức và thẩm mỹ các em sẽ có cách ứng xử thích hợp, có văn hóa trong từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Tuy nhiên, nếu không có sức khỏe tốt thì dù có trí tuệ, đạo đức, thẩm mỹ tốt cũng hết sức khó khăn trong quá trình làm việc. Vì vậy, cần kết hợp giảng dạy các môn học và rèn luyện sức khỏe, rèn luyện ý thức giữ gìn sức khỏe cho các em sinh viên cũng là điều không kém phần quan trọng trong giáo dục hiện nay.
            Thực trạng ở các trường đại học hiện nay các vấn đề về ý thức thẩm mỹ, văn hóa ứng xử, cũng như vấn đề về sức khỏe của các em đang có nhiều bất cập. Hiện tượng sinh viên xuống cấp về mặt đạo đức những năm gần đây đang gia tăng, văn hóa ứng xử thầy - trò thiếu tôn trọng, ý thức bảo vệ môi trường của các em sinh viên còn nhiều hạn chế… Điều đó đặt ra vấn đề cần quan tâm hơn nữa việc giáo dục toàn diện cho các em để các em có đủ tài năng, sức khỏe, phẩm chất đạo đức cống hiến tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
            Bên cạnh đó cần giáo dục theo hướng phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Từ đó giúp sinh viên ý thức về tình yêu quê hương, đất nước; ý thức về trách nhiệm về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay tồn tại một bộ phận không nhỏ sinh viên không thích học các môn Lý luận chính trị, nên một số sinh viên chưa có hiểu biết đúng về các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, các em chưa thấy được niềm vinh hạnh, tự hào là “con Lạc, cháu Hồng”, chưa có lòng tự tôn dân tộc, chưa biết ơn đối với thế hệ cha anh đi trước. Hệ quả là các em sinh viên còn bàng quan với thời cuộc, chưa có ý thức trách nhiệm đóng góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đây là một thiếu hụt đáng tiếc. Để khắc phục thiếu hụt này cần chú trọng việc giáo dục truyền thống đất nước cho sinh viên, giáo dục ý thức về niềm tự tôn dân tộc, về trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với tương lai của đất nước. Xây dựng ở các em lý tưởng sống, nhân sinh quan đúng đắn về đất nước, về con người. Các biện pháp cụ thể như tổ chức ở các trường  : thi tìm hiểu về các môn học Lý luận chính trị, thi hùng biện về lịch sử, thi hùng biện về những ước mơ xây dựng đất nước trong tương lai; tổ chức các buổi xem phim tài liệu về lịch sử…
            Ba là thực hiện tốt phương pháp giáo dục: Học đi đôi với hành, lý thuyết gắn liền với thực tiễn trong giáo dục sinh viên 
            Bước đầu cho các em thực hành tất cả các môn có thể thực hành được như vật lý, hóa học, sinh học. Làm sao để những kiến thức các em được học có thể giải thích và áp dụng được vào thực tiễn càng nhiều càng tốt. Từ đó các em biết rằng kiến thức đã và đang học có ý nghĩa thiết thực đối với thực tiễn hàng ngày. Đối với các môn học xã hội như văn học, lịch sử, địa lý trên cơ sở hiểu rõ nội dung kiến thức giúp các em giải thích được những vấn đề về lịch sử, xã hội, thấy được trách nhiệm phải bảo vệ, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc.
            Mục đích của việc học tập chính là để có hiểu biết, mục đích của hiểu biết chính là để thực hành, để vận dụng vào cuộc sống làm cho cuộc sống trở nên có định hướng, có ý nghĩa. Như vậy, việc học tập gắn với thực hành và lý thuyết gắn với thực tiễn thì sinh viên không chỉ hiểu rõ được nội dung kiến thức mà còn thấy được ý nghĩa của kiến thức mình được tập quan trọng đối với cuộc sống hàng ngày. Chính vì vậy, ở lứa tuổi sinh viên các em càng cần phải thấy được ý nghĩa của những kiến thức mình được học đối với hiện thực như thế nào thì các em càng thấy hứng thú và tự giác học tập.
            Bốn là cần có sự phối hợp tốt, nhất quán giữa các môi trường giáo dục đối sinh viên 
            Kết hợp hài hòa và chặt chẽ mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục sinh viên sẽ đem lại hiệu quả tốt. Các em ở lứa tuổi này đang trong giai đoạn hoàn thiện nhân cách, phát triển tâm sinh lý phức tạp, việc giáo dục các em cần được sự kết hợp chặt chẽ và nhất quán của ba môi trường giáo dục trên để kịp thời uốn nắn khi các em có những suy nghĩ và hành vi không phù hợp với thuần phong mỹ tục và pháp luật Việt Nam. Gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên cũng là môi trường gần gủi nhất đối với các em. Vì vậy, gia đình cần quan tâm sâu sắc những biểu hiện và hành vi của các em, luôn chủ động giúp các em nhận thức về vai trò của tri thức, đạo đức, về kỹ năng sống trong các mối quan hệ xã hội. Gia đình hợp tác với nhà trường trong quá trình giáo dục các em. Khi các em ở trường cần được nhà trường quản lý và quan tâm sát sao đến ý thức, trách nhiệm, học lực, đạo đức, lý tưởng của các em và phối hợp thống nhất với gia đình trong quá trình giáo dục. Nhà trường cần nâng cao vai trò, vị trí, chất lượng các bộ môn Lý luận chính trị trong trường học. Khi các em tham gia vào các mối quan hệ xã hội khác, cần có sự quan tâm giáo dục từ các tổ chức đó.
            Ngoài ra, cần có sự phối hợp tốt giữa các ban ngành, các cấp, các đoàn thể và nhiều người trong quá trình giáo dục sinh viên . Sự phối hợp này phải đồng thuận, thống nhất quan điểm về cách thức, nội dung giáo dục, tránh trường hợp mỗi ban ngành khác nhau lại có phương pháp giáo dục khác nhau, thậm chí mâu thuẫn với nhau thì không những quá trình giáo dục không đạt được kết quả tốt mà còn gây rối loạn trong quá trình nhận thức của các em, ảnh hưởng không tốt cho các em.
3. Kết luận
            Nhà bác học Lê Quý Đôn đã từng nói: “Phi trí bất hưng”, nghĩa là quốc gia muốn hưng thịnh thì không thể không quan tâm đến sự nghiệp giáo dục. Giáo dục là sinh mệnh của mỗi quốc gia, “giáo dục là cái gốc rễ để gây nền chính trị” (Phan Bội Châu). Ngày nay Đảng và Nhà nước ta cũng xác định: “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”. Nhiệm vụ của giáo dục là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo ra những con người mới, có kiến thức, có phẩm chất cách mạng, có kĩ năng để xây dựng và bảo vệ đất nước. Đảm trách sứ mệnh quan trọng và thiêng liêng đó không ai khác chính là đội ngũ nhà giáo, những người vẫn được xã hội tôn vinh trong sự nghiệp “trồng người”. Mặc dù tư tưởng của Hồ Chí Minh về giáo dục đã ra đời và tồn tại từ thế kỷ trước. Song, ý nghĩa và sự vận dụng của nó vẫn đóng vai trò quan trọng đối với sự nghiệp giáo dục nói chung và giáo dục sinh viên nói riêng. Chúng ta tin tưởng rằng, khai thác và vận dụng tốt những tư tưởng của Hồ Chí Minh về giáo dục trong quá trình giáo dục sẽ góp phần tạo nên thế hệ sinh viên phát triển toàn diện về tri thức, đạo đức, sức khỏe, thẩm mỹ, lý tưởng, yêu nước đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

­­­­­­­­­­­­­TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1), (9). Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 32-33, 161.      

(2), (7), (10), (11). Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.684, 253, 235, 235.        

(3), (5), (6). Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.184 , 74-75, 81.

(4). Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000,tr.222.    

(8), (12). Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.329, 331.

(13). Hồ Chí Minh: Toàn tập t.8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000,  tr.80-81.