Ths. Phạm Kim Thành

Trường Đại học Công Thương Tp. HCM

 

 Tóm tắt: Hiện nay giảng viên ở các trường Đại học lựa chọn áp dụng mô hình “lớp học đảo ngược” trong dạy học các môn lý luận chính trị cho thấy không chỉ tạo sự chủ động, hứng thú học tập cho người học mà còn góp phần đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao hiệu quả học tập, giúp rèn luyện, phát triển tư duy cũng như các kỹ năng cho người học.

 Từ khóa: Dạy học,  lớp học đảo ngược, Lý luận chính trị (LLCT), Giảng viên (GV), Sinh viên( SV)

1. Đặt vấn đề

Hiện nay, việc nghiên cứu đổi mới hoạt động dạy học nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động này ở các trường đại học nói chung và trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đang được các chuyên gia, các nhà giáo dục và trực tiếp các giảng viên (GV) quan tâm, tích cực hưởng ứng tham gia. Mọi người đều nhận thấy trong lớp học truyền thống, GV phải dành phần lớn thời gian trên lớp để giúp người học nắm được những kiến thức, kỹ năng mới, sau đó người học làm bài tập, thực hành tại lớp, được giao bài tập về nhà để củng cố, hoàn thiện tri thức đã tiếp nhận được. Việc làm như vậy chưa thực sự tạo cho người học tính chủ động, tích cực và có nhiều hứng thú trong học tập. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ thì việc thay đổi phương pháp dạy học từ phương pháp dạy học truyền thống sang phương pháp dạy học lớp học đảo ngược kết hợp sử dụng công nghệ thông tin nhằm thúc đẩy quá trình học tập bên ngoài lớp học là một xu thế đã và đang ngày càng phổ biến trong giáo dục trên thế giới, đặc biệt là ở bậc đại học.

2. Nội dung nghiên cứu

2.1. Tầm quan trọng của giảng dạy các môn lý luận chính trị trong giáo dục ở đại học.

Trong các trường đại học ở Việt Nam, việc giảng dạy và bồi dưỡng kiến thức về các môn lý luận chính trị (LLCT) được xem là hoạt động truyền bá, lĩnh hội, vận dụng sáng tạo tri thức từ những nguyên lý, lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm hình thành thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng, phương pháp luận và các phẩm chất chính trị, góp phần phát huy tính tích cực của sinh viên, học viên trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, đối với các bạn sinh viên, họ không hiểu được tầm quan trọng của các môn học LLCT, nhiều sinh viên nghĩ không cần thiết, vì vậy trách nhiệm của các GV phải giải thích và xây dựng cho sinh viên hiểu để đạt hiệu quả khi học các môn LLCT.

Các môn LLCT là những khoa học đặc biệt, chứa đựng một khối lượng kiến thức rất rộng, vừa mang tính khoa học, vừa mang tính giai cấp với lập trường tư tưởng rõ ràng. Tuy nhiên, vì là khoa học lý luận nên các quan điểm, nguyên tắc của môn học rất trừu tượng, thường bị xem là khô khan đối với sinh viên. Do đó, theo quan điểm giáo dục mới, để phát huy năng lực người học, việc truyền đạt kiến thức môn LLCT của giảng viên không phải là việc áp đặt buộc người học xem đó là chân lý bất biến và có sẵn mà phải gợi mở để người học tự rút ra chân lý kết hợp tính sáng tạo tư duy của chính bản thân mình.

Việc nâng cao chất lượng dạy và học các tri thức khoa học nói chung và các môn LLCT nói riêng ở các trường bậc đại học luôn là cái đích mà các nhà giáo dục, người dạy và người học hướng đến. Chính vì vậy, để đánh giá được chất lượng giảng dạy và học tập các môn LLCT không chỉ là quá trình dạy và học mà còn bao gồm cả quá trình bảo đảm chất lượng dạy học. Chất lượng dạy và học các môn LLCT sẽ được lượng hóa bằng điểm số, bằng các năng lực mà sinh viên có được sau khi học tập các môn học này. Điểm số càng cao chứng tỏ năng lực tri thức của người học càng phát triển và ngược lại, nếu điểm số thấp chứng tỏ chất lượng dạy và học còn nhiều hạn chế.

Như vậy, để nâng cao chất lượng giảng dạy tốt các môn LLCT ở trường Đại học, giảng viên  cần sử dụng nhiều phương pháp dạy học trong đó có phương pháp lớp học đảo ngược.

2.2 . Một số khái niệm về phương pháp giảng dạy truyền thống và phương pháp lớp học đảo ngược.

2.2.1.  Lớp học truyền thống

Với lớp học truyền thống, sinh viên đến trường, lắng nghe thầy cô giảng bài rồi trở về nhà làm bài tập khiến cho họ thụ động tiếp thu kiến thức, thiếu sáng tạo, khả năng phân tích, lọc bỏ, giữ lại và phát triển không cao. Trên lớp người thầy làm nhiệm vụ truyền đạt kiến thức mới và một ít thời gian sẽ làm bài tập luyện tập tại lớp. Như vậy, hầu hết việc giảng và nghe giảng đã chiếm hết phần lớn thời gian, thời gian còn lại cho việc luyện tập trên lớp của cả thầy và trò là không nhiều vì thế sinh viên khó suy nghĩ, tưởng tượng, đào sâu vào kiến thức ngay trong lúc nghe giảng.

2.2.2.  Lớp học đảo ngược

Mô hình lớp học đảo ngược là một phương thức dạy học theo mô hình kết hợp. Mô hình này đã khai thác triệt để những ưu điểm của công nghệ thông tin và góp phần giải quyết được những hạn chế của mô hình dạy học truyền thống bằng cách “đảo ngược” quá trình dạy học so với mô hình dạy học truyền thống. Sự “đảo ngược” ở đây được hiểu là sự thay đổi với các dụng ý và chiến lược sư phạm thể hiện ở cách triển khai các nội dung, mục tiêu dạy học và các hoạt động dạy học khác với cách truyền thống trước đây của người dạy và người học [1]. Trong mô hình lớp học đảo ngược, các hoạt động “Học ở lớp, làm bài tập ở nhà” (trong mô hình lớp học truyền thống) được chuyển thành các hoạt động tự học ở nhà qua video bài giảng, học trực tuyến, nghiên cứu bài học qua Internet và khi đến lớp người học sẽ làm bài tập, trao đổi, chia sẻ các nội dung của bài học, giải quyết các vấn đề, tình huống do GV đặt ra. Người học sẽ phải làm việc với bài giảng trước thông qua đọc tài liệu, tóm tắt tài liệu, nghe giảng thông qua các phương tiện hỗ trợ như các clip, bản trình chiếu cũng như tìm kiếm, khai thác các tài liệu để phục vụ cho việc nghiên cứu bài học.

Bài giảng của GV được gửi trước cho SV và trở thành bài tập ở nhà mà người học phải chuẩn bị trước khi lên lớp. Toàn bộ thời gian trên lớp sẽ dành cho các hoạt động định hướng GV, nghe các người học báo cáo, trao đổi, chia sẻ phần chuẩn bị của mình trước khi GV củng cố và chính thức chốt lại các nội dung của bài học. Điều này rất phù hợp với yêu cầu tổ chức dạy học trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ ở đại học. Khi so sánh giữa hai mô hình, có thể nhận thấy sự khác biệt cơ bản trong việc tổ chức các hoạt động trong và ngoài lớp học giữa mô hình lớp học đảo ngược và lớp học truyền thống. Theo Bishop & Verleger [2], sự thay đổi này có thể tóm tắt dưới dạng bảng 1

Bảng 1. Chuyển đổi hoạt động trong mô hình lớp học đảo ngược và lớp học truyền thống

Loại hình

Trong lớp học

Ngoài lớp học

Lớp học truyền thống

Bài học/ bài giảng

Bài tập và luyện tập

Lớp học đảo ngược

Bài tập và luyện tập

Video bài giảng

 2.3.2. Mô hình lớp học đảo ngược và sự phát triển tư duy của người học

Mô hình lớp học đảo ngược được xây dựng dựa trên cơ sở lý thuyết về học tập tích cực (active learning). Đây là cách tiếp cận trong dạy học theo hướng để người học chủ động khám phá, tiếp cận kiến thức thông qua quá trình tương tác [3]. Phương thức dạy học này tạo ra môi trường khuyến khích tính tự chủ trong học tập cho người học vì họ có thể tìm hiểu trước các kiến thức cần thiết chuẩn bị cho các bài học cũng như có thể tìm tòi trước các vấn đề liên quan thay vì chờ đợi sự truyền đạt kiến thức của GV trên lớp. Theo Marks [4], thực hiện mô hình lớp học đảo ngược sẽ góp phần rèn luyện và phát triển nhận thức cho sinh viên. Nếu dựa trên thang cấp độ tư duy của Bloom (đã được cải tiến), đi từ thấp đến cao là: ghi nhớ, thông hiểu, vận dụng, phân tích, đánh giá, sáng tạo thì có thể thấy trong lớp học truyền thống do thời gian trên lớp bị giới hạn nên GV chỉ có thể hướng dẫn người học các nội dung ở 3 mức độ đầu của nhận thức là ghi nhớ, thông hiểu và vận dụng. Để đạt đến các mức độ cao hơn, người học phải nỗ lực tự học tập và nghiên cứu ở nhà và đó là một trở ngại lớn với đa số các em. Với mô hình lớp học đảo ngược thì 3 mức độ đầu được người học thực hiện ở nhà nhờ những clip, tài liệu, bài giảng được đưa trước để đọc dưới sự hướng dẫn của GV. Thời gian ở lớp, dành tối đa cho GV và sinh viên cùng làm việc để giúp cho người học đạt được tư duy bậc cao (ba bậc sau của thang đo nhận thức), đây là một yêu cầu khó khăn nhưng họ có thể đạt được khi có GV và bạn bè cùng chia sẻ, hỗ trợ.

GV phải tạo được môi trường để thúc đẩy sự sáng tạo trong tiếp thu kiến thức của người học cũng như tạo cơ hội để rèn luyện, phát triển tư duy cho người học. Trong mô hình lớp học đảo ngược, GV cần xác định rõ việc dạy học phải lấy hoạt động học của SV làm trung tâm [5]. Trên cơ sở nghiên cứu vai trò của giáo viên, nhiệm vụ của người học trong mô hình lớp học truyền thống và mô hình lớp học đảo ngược, chúng ta có bảng so sánh sau (bảng 2):

Bảng 2. So sánh tổ chức lớp học truyền thống và lớp học đảo ngược

Phương pháp dạy học

Giáo viên

Người học

Lớp học truyền thống

- GV hướng dẫn

- GV đánh giá

- Người học ghi chép

- Người học làm theo hướng dẫn - Người học có bài tập về nhà

Lớp học đảo ngược

- GV chia sẻ bài giảng, tài liệu, sách, video, trang web,... cho người học nghiên cứu tại nhà

 - GV hướng dẫn, tổ chức thảo luận,... và chốt các nội dung bài học trên lớp

- Người học hiểu sâu hơn các khái niệm, ứng dụng và có sự kết nối với nội dung đã tạo ra khi thảo luận tại lớp.

 - Người học nhận được sự hỗ trợ khi cần thiết.

 3. Vai trò của giảng viên và sinh viên khi ứng dụng mô hình lớp học đảo ngược trong giảng dạy các môn Lý luận chính trị ở trường Đại học Công Thương Tp Hồ Chí Minh

Trường Đại học Công Thương Tp Hồ Chí Minh được thành lập từ năm 1982, trực thuộc Bộ Công thương, lịch sử hình thành và phát triển Trường được đổi tên và nâng cấp qua nhiều giai đoạn khác nhau; Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh là cơ sở giáo dục, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, đa cấp độ và có thế mạnh trong lĩnh vực khoa học và công nghệ thực phẩm; Nhận thức đúng vị trí, vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng của các môn lý luận chính trị đối với việc trang bị kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy sáng tạo và năng lực hoạt động thực tiễn của mỗi học viên, sinh viên đại học sau khi ra trường, trong những năm qua,  trường đang tiến hành đổi mới mạnh mẽ, toàn diện trên tất cả các khâu, các bước của quá trình giáo dục - đào tạo các môn LLCT. Trong đó, đổi mới phương pháp trong dạy học là một trong những yêu cầu cấp thiết góp phần giải quyết mâu thuẫn giữa lý luận giáo dục với thực tiễn giáo dục, là nhân tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy các môn lý luận chính trị ở trường hiện nay.

Trong những năm gần đây, các giảng viên của  Khoa Chính trị- Luật đã áp dụng thay đổi phương pháp dạy học từ truyền thống sang nhiều phương pháp chủ động, trong đó phương pháp lớp học đảo ngược ở các môn LLCT luôn được các giảng viên áp dụng triệt để. Để thực hiện phương pháp giảng dạy này có hiệu quả cần thực hiện tốt các quy trình sau:

3.1. Về phía giảng viên

-  Giảng viên phải chuẩn bị các bài giảng online, link tài liệu, hệ thống phiếu học tập… và chia sẻ cho sinh viên trước khi các em đến lớp.

- Chuẩn bị nhiều tài liệu học tập để sinh viên học tập từ slide bài giảng, bài giảng tóm tắt, thực hiện các video bài giảng, các website, …

- Thiết lập các kênh trao đổi liên lạc để chuyển giao bài giảng, tương tác, trao đổi giữa giảng viên và sinh viên.

- Giảng viên cần nhiều thời gian hơn cho việc trau chuốt các hoạt động giảng dạy trực tiếp. Thiết kế bài học phù hợp với phương pháp mô hình lớp học đảo ngược, cụ thể hóa từng hoạt động của giảng viên, sinh viên và thời gian cho các hoạt động đó.

- Giảng viên cần hiểu rõ vai trò và nhiệm vụ người hướng dẫn, chứ không phải là trung tâm của lớp học. Trong giờ học, giảng viên là người tổ chức, dẫn dắt sinh viên trao đổi thảo luận, phản biện, thuyết trình; phân tích các sản phẩm học tập của các em để nhận xét, đánh giá mức độ học tập của sinh viên; khuyến khích các em sáng tạo thể hiện ý kiến cá nhân của mình, tôn trọng ý kiến của bạn.

- Trên lớp giảng viên phải thể hiểu rõ hơn về vấn đề sinh viên đang gặp phải và dành nhiều thời gian giúp sinh viên thực hành, tương tác và trải nghiệm, rèn luyện cho sinh viên kĩ năng hợp tác, kĩ năng thuyết trình.

- Giảng viên cần nâng cao trình độ trong việc sử dụng công nghệ hoặc quản lý hệ thống dữ liệu học tập và hoạt động của sinh viên trên hệ thống.

3.2. Về phía sinh viên

Sinh viên thực hiện tốt quá trình tự học trước khi đến lớp, có thể học mọi lúc, mọi nơi và với mọi thiết bị chỉ cần thiết bị đó có thể online được như smartphone, máy tính bảng, ipad, hoặc máy tính bàn có kết nối Internet..., nghĩa là sinh viên phải nhất thiết xem những tài liệu trước khi đến lớp, cụ thể là:

- Đọc bài trong giáo trình theo yêu cầu của giảng viên.

- Xem bài giảng tóm tắt của giảng viên và slide bài giảng.

- Trả lời những câu hỏi có trong bài giảng.

- Sinh viên phải có ý thức và trách nhiệm tự học.

- Sinh viên phải nhận thức được vai trò trung tâm của mình, có thái độ học tập tích cực và kỷ luật tốt hơn so với cách học truyền thống.

- Khi vào lớp sinh viên cần chủ động, tích cực hơn trong việc thảo luận và tương tác trên lớp học.

Có thể nhận thấy rằng theo mô hình này sinh viên sẽ chuyển từ việc thụ động nghe giảng và chỉ nhận kiến thức từ giảng viên sang học tập chủ động thông qua việc đọc và xem các tài liệu môn học, làm việc nhóm, thuyết trình, phản biện và sự tương tác giữa giảng viên - sinh viên và sinh viên - sinh viên.

Hơn nữa, đối với hệ thống dữ liệu học tập sinh viên được chọn lựa thời gian và địa điểm học tập, có thể dừng lại ở những phần trọng tâm, những phần chưa hiểu; hay lướt qua những ý đã nắm được, với việc chuẩn bị và xem trước bài giảng và hướng dẫn ở nhà, sinh viên sẽ có định hướng trong việc đặt câu hỏi, thảo luận, đào sâu vấn đề khi lên lớp.

Phương pháp lớp học đảo ngược được áp dụng trong giảng dạy các môn LLCT đã cho thấy tính khả thi cao, tiến trình học tập không chỉ xóa dần thói quen thụ động, trông chờ vào GV mà còn nhấn mạnh vai trò tích cực, chủ động của SV, đồng thời tạo ra thói quen tương tác cũng như hình thành thái độ, tư duy và kỹ năng nhận thức và thực hành. Qua đó thấy rõ việc học tập của SV không chỉ gò bó trong lớp học mà có thể mở ra với nhiều không gian khác nhau: ngoài thực tế, thư viện, tại nhà hay bất cứ nơi đâu mà SV có thể học tập. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu thế và sự phát triển của thế giới. Qua thời gian áp dụng mô hình lớp học đảo ngược đã minh chứng phương pháp này phù hợp với thời lượng lên lớp không nhiều của môn học và sinh viên rất hào hứng học bài và tìm hiểu ở nhà, lớp học trở nên sôi nổi với phần thảo luận, sự vận dụng lý thuyết vào thực tế được giải quyết nhiều hơn giúp các em nhận thấy giá trị thực tiễn của môn học. Kiến thức qua một quá trình được sinh viên  tự nhào nặn, tìm kiếm, nhận thức và giải đáp vì vậy rất sâu sắc. Môi trường lớp học vui vẻ, sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên tạo nên sự gắn kết khăng khít, việc học tập của các em đạt kết quả cao và các kỹ năng tự học, thuyết trình… của các sinh viên qua đó được nâng cao. Chúng tôi hy vọng phương pháp này sẽ được áp dụng rộng rãi trong việc giảng dạy nhiều môn học khác nhau tại tại Trường Đại học Công Thương Tp Hồ Chí Minh nói riêng và các trường đại học nói chung /.

 Tài liệu tham khảo:

____________________________________

[1] Nguyễn Chính (2016). Dạy học theo mô hình Flipped Classroom. Báo Tia Sáng - Bộ Khoa học và Công nghệ, số ra ngày 4/4/2016.

[2] Bishop, J. L., & Verleger, M. A. (2013). The Flipped classroom: A Survey of the research. Proceedings of the 120th ASEE National Conference, 30(9), 1-18, Atlanta, GA: ASEE.

[3] Vygotsky, L. (1978). Mind in society: The development of higher psychological processes. Cambridge: Cambridge University Press.

[4] Marks D. B. (2015). Flipping the Classroom: Turning an Instructional Methods Course Upside Down. Journal of College Teaching and Learning, 12 (4), 241-248.

 [5] Nguyễn Ngọc Tuấn, Bùi Thị Hạnh & Trần Trung Ninh (2020). Thiết kế khung đánh giá năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo cho sinh viên thông qua dạy học theo mô hình “lớp học đảo ngược” phần hóa học đại cương ở trường đại học kỹ thuật. Tạp chí khoa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 65(1), 204-214. 45 TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ Tập 19, Số 2 (2020): 37-45