Ngày 22/6/2023, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đã chính thức được Quốc hội thông qua với 468/477 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết, tương đương với tỷ lệ tán thành 94,74%.

Theo quy định của Luật Giao dịch điện tử sửa đổi, có 8 hành vi sau đây bị cấm hoàn toàn:

1/. Lợi dụng giao dịch điện tử xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; 

2/. Cản trở hoặc ngăn chặn trái pháp luật quá trình tạo ra, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu hoặc có hành vi khác nhằm phá hoại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử; 

3/. Thu thập, cung cấp, sử dụng, tiết lộ, hiển thị, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông điệp dữ liệu; 

4/. Xóa, hủy, giả mạo, sao chép, làm sai lệch, di chuyển trái pháp luật một phần hoặc toàn bộ thông điệp dữ liệu; 

5/. Tạo ra thông điệp dữ liệu nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật; 

6/. Gian lận, giả mạo, chiếm đoạt hoặc sử dụng trái pháp luật tài khoản giao dịch điện tử, chứng thư điện tử, chứng thư chữ ký điện tử, chữ ký điện tử; 

7/. Cản trở việc lựa chọn thực hiện giao dịch điện tử;

8/. Hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của Luật.

Luật Giao dịch điện tử sửa đổi gồm 8 Chương với 53 Điều quy định về việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử; không quy định về nội dung, điều kiện, hình thức của giao dịch. Đối tượng áp dụng của Luật là cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia giao dịch điện tử hoặc có liên quan đến giao dịch điện tử.

Chính sách phát triển giao dịch điện tử nhằm bảo vệ lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm tự nguyện lựa chọn thực hiện giao dịch điện tử; tự thỏa thuận về việc lựa chọn loại công nghệ, phương tiện điện tử, chữ ký điện tử, hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử để thực hiện giao dịch điện tử, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Phát triển giao dịch điện tử toàn diện để thực hiện trọn vẹn từ đầu đến cuối quy trình bằng phương tiện điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số; tối ưu hóa quy trình, rút ngắn thời gian xử lý, thuận tiện hơn so với các phương thức giao dịch khác.

Áp dụng đồng bộ cơ chế, các biện pháp khuyến khích ưu đãi tạo điều kiện phát triển giao dịch điện tử; ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ, phát triển và ứng dụng các công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực trong giao dịch điện tử, đặc biệt tại khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Theo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải tuân thủ quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, pháp luật về an toàn thông tin mạng, pháp luật về an ninh mạng và quy định khác của pháp luật có liên quan khi thực hiện giao dịch điện tử. Thông tin trong thông điệp dữ liệu thuộc phạm vi bí mật Nhà nước phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước và pháp luật về cơ yếu.

Đối với chữ ký điện tử, theo Khoản 11 Điều 3 của Luật Giao dịch điện tử sửa đổi, chữ ký điện tử được sử dụng để xác nhận chủ thể ký và xác nhận sự chấp thuận của chủ thể đó đối với thông tin trong thông điệp dữ liệu được ký và phải được tạo lập dưới dạng dữ liệu điện tử gắn liền hoặc kết hợp một cách lô gíc với thông điệp dữ liệu thì lúc đó mới được coi là chữ ký điện tử. 

Hiện nay, các hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử như chữ ký scan, chữ ký hình ảnh, mật khẩu sử dụng một lần (OTP), tin nhắn (SMS),… không phải là chữ ký điện tử. Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn triển khai nghiệp vụ trong ngành Ngân hàng, Hải quan và nhằm thúc đẩy giao dịch điện tử, Khoản 4 Điều 22 của Luật Giao dịch điện tử sửa đổi đã quy định việc sử dụng các hình thức xác nhận này được thực hiện theo quy định pháp luật có liên quan.

Về việc chuyển đổi từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu và ngược lại để phù hợp thực tiễn ngành Ngân hàng, Hải quan, Điều 15 của Luật Giao dịch điện tử sửa đổi đã được điều chỉnh nội dung yêu cầu chuyển đổi cần đáp ứng và giao Chính phủ quy định chi tiết,  phù hợp với thực tiễn ngành Ngân hàng, Hải quan.

Luật Giao dịch điện tử sửa đổi quy định Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, thực hiện quản lý Nhà nước về giao dịch điện tử. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện quản lý Nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý Nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực cơ yếu, chữ ký số chuyên dùng công vụ trên cơ sở tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chữ ký số theo quy định của pháp luật.

Luật Giao dịch điện tử sửa đổi khi có hiệu lực vào ngày 01/7/2024 sẽ có tác động rất lớn đến hoạt động trên môi trường điện tử của cơ quan nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Các quy trình thực hiện giao dịch điện tử được luật hóa một cách rõ ràng sẽ đảm bảo giá trị pháp lý cho giao dịch điện tử. Luật Giao dịch điện tử sửa đổi sẽ tạo một hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực.

So với Luật Giao dịch điện tử năm 2005, Luật Luật Giao dịch điện tử sửa đổi năm 2023 đã bổ sung phạm vi cấm "gian lận, giả mạo, chiếm đoạt, sử dụng trái pháp luật" đối với tài khoản giao dịch điện tử, chứng thư điện tử, chứng thư chữ ký điện tử, thay vì chỉ áp dụng cho chữ ký điện tử như Luật Giao dịch điện tử năm 2005.

Theo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi 2023, nhiều thành phần trong giao dịch điện tử sẽ có giá trị tương đương trong văn bản giấy. Ví dụ trong giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, thông báo dưới dạng thông điệp dữ liệu có giá trị pháp lý như thông báo bằng văn bản giấy. Chữ ký số cũng có giá trị pháp lý tương đương chữ ký của cá nhân trên giấy. Dữ liệu chủ trong cơ sở dữ liệu quốc gia có giá trị sử dụng chính thức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Tuy nhiên để thay văn bản giấy, thông điệp dữ liệu được chuyển đổi phải đáp ứng các yêu cầu: Thông tin bảo đảm toàn vẹn như văn bản giấy; có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu; có ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển đổi từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu và thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi.

Trong bối cảnh các giao dịch xuyên biên giới ngày càng phát triển, Luật Giao dịch điện tử sửa đổi 2023 cũng công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài tại Việt Nam, với điều kiện có văn phòng đại diện tại Việt Nam; được thành lập và hoạt động hợp pháp tại quốc gia đăng ký hoạt động; có báo cáo kiểm toán kỹ thuật. Chữ ký điện tử do đơn vị nước ngoài cung cấp phải phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chữ ký điện tử, chứng thư chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ quy định chi tiết việc công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài, chữ ký điện tử nước ngoài, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài tại Việt Nam.

Luật Giao dịch điện tử lần đầu được ban hành năm 2005, được đánh giá có vai trò quan trọng, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy giao dịch điện tử, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách hành chính. Tuy nhiên, Luật Giao dịch điện tử 2005 tồn tại một số bất cập về quy định đảm bảo giá trị pháp lý của giao dịch điện tử, quy định về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, quy định về an ninh, an toàn, bảo vệ, bảo mật trong giao dịch điện tử. Luật Giao dịch điện tử sửa đổi 2023 được xây dựng theo hướng phù hợp với sự phát triển của nền công nghiệp 4.0 và kinh tế số, phù hợp với điều ước quốc tế liên quan đến thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên để tạo thuận lợi thúc đẩy sự phát triển cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên tham gia vào hoạt động giao dịch điện tử./.

 

TS. Nguyễn Nam Hà tổng lược và giới thiệu