75 năm trước, ngày 9/11/1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Dù đã 3/4 thế kỷ trôi qua, nhưng tư tưởng vượt thời đại của bản Hiến pháp này vẫn vẹn nguyên những giá trị sâu sắc, đặc biệt là tư tưởng về quyền con người, quyền công dân...

Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết của chính quyền nhân dân là tổng tuyển cử tự do và soạn thảo hiến pháp. Ngày 20/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 34-SL thành lập Ủy ban Dự thảo Hiến pháp, gồm 7 thành viên: Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy (cựu hoàng Bảo Đại), Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh).

Ngày 2/3/1946, kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa I đã bầu Ban Dự thảo Hiến pháp (Tiểu ban Hiến pháp) chịu trách nghiên cứu dự thảo hiến pháp, gồm 11 thành viên. Ngày 29/10/1946, Tiểu ban được mở rộng thêm 10 đại biểu đại diện cho các nhóm, các vùng và đồng bào thiểu số để tu chỉnh dự thảo và trình ra Quốc hội ngày 2/11/1946 để Quốc hội thảo luận, sửa chữa và thông qua.

Bản Hiến pháp được Quốc hội thông qua vào ngày 9/11/1946, tại kỳ họp thứ 2, với 240 phiếu tán thành trên tổng số 242 phiếu, gồm 7 chương, 70 điều.

Lời nói đầu khẳng định 3 nguyên tắc cơ bản: “Đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái, trai, giai cấp, tôn giáo”; “Đảm bảo các quyền tự do dân chủ”; “Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân”.

Chương I quy định chính thể của Việt Nam là dân chủ cộng hòa.

Chương II quy định nghĩa vụ và quyền lợi công dân, xác nhận sự bình đẳng về mọi phương diện của tất cả công dân Việt Nam trước pháp luật.

Chương III quy định về nghị viện nhân dân.

Chương IV quy định về chính phủ - cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc.

Chương V quy định phương diện hành chính, bộ, tỉnh, huyện, xã; quy định về cơ quan hành chính (ủy ban hành chính và hội đồng nhân dân) các cấp.

Chương VI quy định về cơ quan tư pháp bao gồm tòa án tối cao, các tòa án phúc thẩm, các tòa án đệ nhị cấp và sơ cấp.

Chương VII quy định về việc sửa đổi Hiến pháp, trong đó có quyền phúc quyết hiến pháp của dân.

Sau khi Hiến pháp được thông qua, Quốc hội ra nghị quyết giao nhiệm vụ cho Ban Thường trực Quốc hội “cùng với chính phủ ban bố và thi hành Hiến pháp khi có điều kiện”, “trong thời kỳ chưa thi hành được Hiến pháp thì chính phủ phải dựa vào những nguyên tắc đã định trong Hiến pháp để ban hành các sắc luật”. Tuy nhiên, ngày 19/12/1946, toàn quốc kháng chiến, vì vậy, việc tổ chức tổng tuyển cử bầu Nghị viện nhân dân không có điều kiện để thực hiện, do đó Hiến pháp 1946 chưa chính thức được thi hành trong thực tiễn.

Với Hiến pháp năm 1946, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam, hai tiếng thiêng liêng “công dân” đã được ghi nhận trong văn bản pháp lý cao nhất của quốc gia. Hiến pháp quy định tất cả công dân Việt Nam ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa và đều bình đẳng trước pháp luật, đồng thời hiến định về nghĩa vụ gắn liền với quyền của công dân, đó là người dân được hưởng các quyền do Hiến pháp quy định nhưng phải có nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, tôn trọng Hiến pháp và tuân theo pháp luật. Sau hơn 80 năm bị thực dân Pháp đô hộ, hàng ngàn năm dưới chế độ phong kiến, lần đầu tiên những đối tượng chịu thiệt thòi trong xã hội như đồng bào dân tộc thiểu số đã được Hiến pháp 1946 quan tâm. Quyền bình đẳng phụ nữ, việc chăm sóc người già, người tàn tật, trẻ em đã được ghi trang trọng trong Hiến pháp…

Nghị quyết của Quốc hội ủy nhiệm cho Chính phủ và Ban Thường trực Quốc hội thi hành Hiến pháp 1946. (Ảnh tư liệu)

 

Giáo sư luật học Phạm Duy Nghĩa đã khẳng định Hiến pháp 1946 là “bản hiến văn dân chủ vào loại bậc nhất Đông Nam châu Á lúc bấy giờ” và “đã có thể là một bản khế ước tốt để ràng buộc và khống chế công bộc với lợi ích của ông chủ nhân dân”. Theo ông, Hiến pháp 1946 vẫn phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của Việt Nam và “vẫn còn nguyên giá trị cho một xã hội dân chủ pháp quyền ở Việt Nam”. Tiến sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Đại học Saarland, Cộng hòa liên bang Đức, cho rằng, điểm khác biệt và là nét độc đáo của Hiến pháp 1946 so với các bản Hiến pháp sau này là không theo bất kỳ một nguyên mẫu hiến pháp nào có sẵn trong lịch sử. Sau khi Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 thành công, có một bản hiến pháp rất nổi tiếng và có hiệu lực ở Liên Xô thời điểm đó là Hiến pháp năm 1936, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người chịu ảnh hưởng sâu sắc của chủ nghĩa Mác – Lênin, cũng không xem đây là khuôn mẫu khi xây dựng Hiến pháp 1946.

Những quy định của Hiến pháp 1946, nhất là về quyền con người, quyền công dân, đã được các bản hiến pháp sau này kế thừa, phát triển, đặc biệt là trong Hiến pháp 2013. Hiến pháp 1946 quy định rất cụ thể rằng khi tư pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm công dân Việt Nam. Hiến pháp quy định không ai được xâm phạm nhà ở và thư tín một cách trái pháp luật. Quyền tư hữu tài sản của công dân được Hiến pháp bảo đảm. Điều 10 Hiến pháp 1946 quy định rõ ràng các quyền tự do cá nhân: “Công dân Việt Nam có quyền: tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”.

Điều thứ 30 Hiến pháp 1946 quy định Nghị viện họp công khai thì người dân được vào nghe.

Hiến pháp 1946 cũng quy định quyền sửa đổi Hiến pháp là quyền của toàn dân, tức người dân phúc quyết Hiến pháp. Điều 70 quy định: “Sửa đổi Hiến pháp phải theo cách thức:

a) Do hai phần ba tổng số nghị viên yêu cầu.

b) Nghị viện bầu ra một ban dự thảo những điều thay đổi.

c) Những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết”.

Có thể thấy, Hiến pháp năm 1946 đã hiến định những quy định tiến bộ so với thực tiễn lịch sử thế giới khi ấy. Nhiều các giá trị, các quy định của bản Hiến pháp này vẫn còn giá trị lớn đối với hôm nay. Các quy định về bảo đảm quyền con người, quyền công dân của Hiến pháp 1946 khẳng định tính ưu việt của chính quyền nhân dân khi ấy.

Nguồn: Internet